Thursday, May 25, 2017

LÀM SAO KHI CHẾT CÓ NỤ CƯỜI ? (BÀI 8)

18. Satipatthanabhavana là gì ?.
          Bạn đã vượt qua bước thứ nhất chưa ? Bạn đã thuần thục với những điều được hướng dẫn căn bản trong bước thứ nhất chưa ? Hãy thành thực với chính mình. Nếu chưa, thì Bạn hãy tạm ngưng tại đây và tiếp tục hành trì bước thứ nhất cho thực thuần thục. Thà chậm một vài ngày, vài tháng nhưng kết quả sẽ chắc chắn bảo đảm cho bạn. Nếu không làm như thế thì Bạn sẽ rối và rơi rụng giữa đường. Ham học nhưng không ham hành trì cũng là một pháp bất thiện đó, Bạn có nhận ra cái Tâm của Bạn không ?
          Bây giờ những bạn đã thuần thục với bước thứ nhất, xin mời thực hành tiếp bước thứ hai. Satipatthanabhavana là sự nhận biết, chú tâm quán xét về sự SANH và DIỆT của đối tượng hay đề mục. Bhavana là gì ? Nó có nghiã là liên tục phát triển. Bạn luôn phải chú tâm khi một pháp sinh hay diệt. Nắm bắt được ngay lập tức Khi Nào pháp Sinh và Khi Nào pháp đó diệt. Khó lắm các Bạn ạ. Phải thiện xảo thuần thục mới làm nổi. Thông thường, có khi Bạn dù thuần thục vẫn chỉ nắm bắt nhận diện được sự Sinh ra của Pháp (ngũ uẩn), bao gồm 5 cái Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Nhưng Bạn sẽ không nhận ra sự Diệt của chính pháp đó cho tới khi nó biến mất đã lâu. Hoặc ngược lại. Hiếm có những vị thuần thục có khả năng nhận biết cả hai cái Sinh và Diệt của Pháp. Ngay cả những vị đã chứng sotapanna cũng chỉ có khả năng nhận biết hoặc Sinh hoặc Diệt (nhưng không cả hai) của pháp.
          Nào, ôn bài lại một chút nhé. Khi Bạn có khả năng nhận diện sự xuất hiện (Sinh) của một Pháp thì đó là satipatthana. Chỉ khi nào Bạn có khả năng thiện xảo nhận biết rõ sự Sinh và Diệt của một pháp thì đó mới là satipatthanabhavana.
          Bạn cần phải nhận ra cả hai Sinh và Diệt của Danh (Tâm nama) và Sắc (Thể rupa). Khi Bạn nhận biết rõ ràng (Seeing and Knowing) đối tượng hay đề mục thì đó mới là satipatthanabhavana. Năm yếu tố trong Bát Chánh Đạo sẽ cùng lúc hoạt động khi Bạn thuần thục hành trì satipatthanabhavana. Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Niệm, Chánh Tinh Tấn và Chánh Định cùng một lúc hợp lực bổ túc và tăng cường năng lực quán chiếu satipatthana của Bạn. Năm cái này hoạt động cùng một lúc, không có cái nào trước hay cái nào sau. Bạn thực hành đúng rồi Bạn sẽ nhận ra như thế. (Cẩn thận, không có kinh nào nói như thế nhé.).
          Giai đoạn cuối cùng của satipatthanabhavana là gì ? Đó chính là lúc mà Bạn rơi vào trạng thái tịch tĩnh của tâm thức; chấm dứt hẳn sự Sinh và Diệt của các pháp. Không còn một khái niệm và hoạt động của Tâm về Sanh và Diệt nữa. Lúc đó, Tuệ Lực của Bát Chánh Đạo hoàn tất vai trò của nó. Chính vào lúc đó, lúc giây phút ngắn ngủi như ánh chớp đó, sự chú tâm quán sát chấm dứt, và hoàn toàn tĩnh lặng. Bạn vẫn nhận biết nhưng không còn cần chú tâm bất cứ cái gì nữa, vì các pháp đã hiện ra rõ ràng trước Bạn.
          Nào, chúng ta cùng ghi nhớ có 3 giai đoạn. Thứ nhất, satipatthana ghi nhận và biết đối tượng hay đề mục. Đó chỉ là tỉnh giác ghi nhận. Thấy và Biết đối tượng. Thứ hai, satipatthanabhavana là ghi nhận sự Sanh Diệt của đối tượng hay đề mục. Thấy và Biết sự hiện hữu và biến mất của đối tượng (ngũ uẩn). Thứ ba, sự chấm dứt của sự ghi nhận và Bạn hoàn toàn tĩnh lặng. Thấy và Biết rất rõ nhưng không cần nỗ lực và vẫn tiếp tục ghi nhận rõ ràng. Cảnh giới này gần giống Niết Bàn. Nhưng khuyên Bạn chớ có ngưng tại đây nhé.
"samudayadhamma nupassiva cittasmimviharati vayadhammaupassiva cittasmim viharati"
          Cũng áp dụng như thế cho các Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Khi Bạn không còn cần nỗ lực quán xét mà vẫn tỉnh giác nhận biết rõ tính chất sinh diệt của các pháp dù là một cái hay vài cái cùng một lúc, thì lúc đó Bạn sẽ không còn thấy sự Sinh Diệt của Pháp nữa. Bạn sẽ nhận ra các Pháp Tự Nhiên như thế. Tuệ Giác phát sinh và thể nghiệm ngay trong một sát na cái Niết Bàn.
          Khi mà ba cái (chánh ngữ, chánh mạng, chánh nghiệp) trong Bát Chánh Đạo do Bạn nghiêm trì giới thành tựu cộng với năm cái (chánh kiến, chánh tư duy, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định) do sự hành trì Thiền Tuệ vipassana cộng hưởng và thành tựu Bát Thánh Đạo, đó chính là satipatthanabhavanagaminipatipada; công phu thiền tuệ vipassana đã được viên mãn. Và kết quả là Bạn sẽ thể nhập và hưởng được kinh nghiệm của Niết Bàn (tịch tĩnh).
          Đây là pháp hành do Phật dạy trong kinh Samyutta Pali. Trong kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Pali) , Bạn bắt đầu với satipatthana, rồi satipatthanabhavana và rồi chấm dứt hoàn tất.
          Thí dụ: Bạn quán xét Cảm Thọ là đối tượng. Có ba loại Thọ: thọ lạc (sukka vedana), thọ khổ (dukkha vedana), và thọ không khổ không lạc (upekkha vedana). Chỉ có một cảm thọ sinh ra vào một lúc thôi. Không bao giờ có cả Ba loại Thọ này xuất hiện cùng một lúc.

19. Quán Xét Sanh Diệt ...
          Trong khi hành thiền, là một người cẩn mật ariyasakava, bạn sẽ nhận biết và có kiến thức về cái nghe sutamayanyana. Bạn nghe, bạn quán xét cái nghe rồi Cảm Thọ nơi cái nghe aniccaupassi viharati. Nhưng khi quán xét kỹ và sâu thì Bạn sẽ nhận ra chẳng có cái cảm thọ âm thanh nào cả, ngoại trừ cái Sinh Diệt. Cái tiến trình Sinh Diệt này Bạn phải cần quán chiếu bằng Tuệ Giác.
          Theo như kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Sutta), cảm thọ phải nên được quán chiếu như là tiến trình Sinh Diệt. Ngoài Sinh Diệt thì thực ra chẳng có cái gì cả. Chẳng có Cảm Thọ, chẳng có Tâm Thức, chẳng có Tưởng, chẳng có Danh Sắc. Chỉ có tiến trình Sinh Diệt mà thôi. Nếu quán xét như vậy thì được gọi là thể nhập vô chủ thể aniccasannyi. Cứ tiếp tục quán như thế thì Bạn sẽ tiến vào bước cao hơn, khó hơn. Đó là aniccapatisamvedi. Nhận biết và quán xét đối tượng với Tuệ Giác rằng cái đó chính thực là Vô Thường. Luôn ghi nhận Thấy và Biết nó là Vô Thường.
          Đức Phật dạy chúng ta cần quán xét đối tượng bằng ba phương pháp. Một là quan sát với trí tuệ rằng trạng tướng của Pháp chỉ là sinh và diệt. Hai là ghi nhận và biết đó là Vô Thường. Bằng Tuệ bạn biết rõ đó là Vô Thường. Nó chỉ là Vô Thường, không thể là cái gì khác hơn. Nhận và Biết rõ Vô Thường. Và cuối cùng thì Phật dạy rằng khi đối tượng được ghi nhận và biết chỉ là Vô Thường thì sự ghi nhận Thấy và Biết hiện tượng Pháp cũng chỉ là Vô Thường. Không sai, không mơ hồ, rõ ràng.
          Tuệ Giác sẽ phát sinh trong từng giai đoạn. Bằng cách liên tục lập đi lập lại sự quán xét của Vô Thường, Bạn sẽ có Tuệ Giác về Vô Thường. Tuệ này không do đọc sách, không do nghe người ta nói, không do nghe Thầy hay Sư giảng, không do tụng kinh Phật, hay do bất cứ nguồn nào từ ngoài vào mà nó do chính bản thân của Bạn trực tiếp chứng nghiệm và thể nhập. Bạn biết rõ và có Tuệ về Vô Thường. Cái Tuệ này do Bạn hành trì và nó là của riêng Bạn. Nó không giống cái Kiến Thức về Vô Thường của người khác, Bạn ạ.
          Cái Tuệ này phát sinh từ trên năm kiến thức trên con đường phát triển Tuệ Minh (pannyayaadhimuccamano) của chính sự miên mật hành trì của Bạn. Sau khi năm loại Tuệ này phát triển thêm sâu, Bạn chỉ quan tâm đến Vô Thường mà thôi, không có cái gì khác. Bạn có thể quán xét các đối tượng của ngũ uẩn nhưng Tuệ của Bạn sẽ chỉ hướng về sự sanh diệt của pháp mà thôi.
          Đức Phật dạy: trước hết quán xét vô thường, sau ghi nhận vô thường, biết vô thường, và cuối cùng thì Tuệ về Vô Thường phát sinh. Nó chỉ biết Vô Thường và không còn quan tâm đến những cái đề mục khác.
          Ngài nhấn mạnh thêm rằng: "satatam samitam". Satatam có nghĩa là nối tiếp, samitam là liên tục. Có nghĩa là Bạn phải giữ sự quán chiếu vô thường liên tục nối tiếp , không được gián đoạn, không có một giây một khoảng hở nào cả. Hễ có một khoảng hở nhỏ thì lập tức các pháp khác sẽ chen vào và phá huỷ tiến trình phát triển Tuệ Giác của Bạn.
          Nếu Bạn chỉ có thể làm được 5 phút thì hãy làm 5 phút. Nhưng trong 5 phút này phải sống chết với nó. Phải chiến thắng nó. Không để cho đối tượng nào khác ngoài Vô Thường xâm chiếm vào. Không cho Tuệ nhận biết của Bạn hay cái Tâm của Bạn đi chỗ nào khác hơn là ngay ở Đây và Bây Giờ. Dù cho cha chết, chồng chết, con chết, nợ đến, hay ai đó muốn phá bạn cũng không đứng dậy. Vì sao, vì trong một khoảnh khắc nào đó, Niết Bàn sẽ hiện ra ngay trong lúc Bạn quyết tâm sống chết với niệm Vô Thường.

20.Làm sao bước vào  Bốn Quả Thánh[1]: Tư Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán?
          1. Tư Đà Hoàn (Sotapanna) là gì ?
          - Là người mới bước và dòng Thánh (trong sạch, thanh tịnh) trên con đường tiến đến Niết Bàn, vị này cần phải diệt bỏ hay chuyển hoá: - Tà Kiến Ditthi, (sakkaya) hay đúng ra là Thân Kiến. Chấp cái Thân là có Thật hay Không có thật.
          2. Tư Đà Hàm (Sakadagami) là gì ?
          - Là vị đã có thực chứng chuyển hoá hay từ bỏ hai cái :  - (i)  Bất Thiện Ý (ill-will pathiga) và - (ii) dính mắc vào Cảm Thọ (sense - desire kamaraga)
          3. A Na Hàm (Anagami) là gì ?
          - Là vị đã hoàn thành giai đoạn 3 tiến đến Niết Bàn, đã hoàn toàn chuyển hoá hay trừ bỏ Kamaraga và Pathigha. Không còn có chút ý bất thiện bay dính mắc cảm thọ, tham ái nữa.
          4. A La Hán (Arahant) là gì ?
          - Là vị đã thành tựu giai đoạn chót của con đường đến Niết Bàn, đã huỷ diệt hay chuyển hoá hoàn toàn 5 cái triền cái còn dư lại:
          (i) Tham ái vào cõi dục lạc hay đời sống dục lạc sau khi chết (ruparaga lust after in form - spheres) .
          (ii) Tham ái vào cõi vô sắc (Arupa raga formless sphere)
          (iii) Dối trá, không thật (mana conceit)
          (iv) Hiếu động (Uddhacca Restlessness)
          (v) Vô Minh (Avijja ignorance)
          Nếu Bạn muốn bước vào một trong dòng này thì Bạn phải nhiệt tâm, nỗ lực, tinh tấn, tỉnh giác. Trong lúc hành trì đi đứng nằm ngồi, ăn, uống, đi toilet cũng phải luôn luôn quán xét không ngừng nghỉ một sát na. Vì chỉ cần Bạn ngưng một chút là pháp bất thiện sẽ tấn công, xâm nhập, và nằm vùng trong tâm của Bạn (Bạn sẽ nhận lầm giặc làm con).  Khi Bạn hành trì có thành tựu chút ít (momentum) là chúng xâm lăng tấn công Bạn ngay thôi. Các pháp bất thiện nhất là tham ái và thủ đắc hoành hành nhanh hơn vi khuẩn ung thư. Người bị nó chỉ chờ chết mà thôi. 
          Đức Phật dạy "abbokinnam" mà nhiều nhà luận giải nói là "annyehi asammissam".  Annyehi có nghĩa là các pháp bất thiện khác, và asammissam có nghĩa là trộn lẫn tạp chất với các pháp khác. Bạn phải giữ cái Biết và Hiểu về Vô Thường được liên tục, không gián đoạn. Chớ để cho bất cứ cái gì xen vào cái Tâm của Bạn trong tiến trình quan xét này. Phải phát nguyện dõng mãnh hành trì như thế.
          Trong thời Phật có anh chàng tên Pessa cũng thế. Khi nghe Phật dạy về những cái căn bản về Thiền Quán, anh đứng dậy về nhà vì anh có việc phải về nhà giải quyết. Đức Phật nói nếu anh chàng này tiếp tục ở lại lắng nghe Phật dạy thì anh ấy đã có thể vào Niết Bàn. Pessa đã mất đi cơ hội tiếp nhận kiến thức magga và phala, con đường và sự thành tựu.
          Bạn thử nghĩ xem từ vô lượng kiếp đến nay, Bạn đã xếp xương và thịt của Bạn trong những kiếp ấy cao hơn núi Everest.  Được sanh ra làm người là một phước lớn, nhưng Bạn có nên đánh mất cơ hội này hay không  ?
          Bạn có thể tự dễ duôi tha thứ cho mình rằng Bạn cũng chỉ là con người. Bạn còn nhiều việc phải lo, gia đình, vợ chồng, con cái, tài sản, chùa chiền, đệ tử, lễ hội vân vân... Bạn ơi, những cái lý do đó chính là những pháp bất thiện sẽ khiến Bạn mọc thêm nhiều cái chân nữa trong kiếp lai sinh...
          "Palibodho maggadhigamassa nivaranam" , những thứ phụ thuộc con cái, gia đình, chùa chiền, đệ tử, lễ lộc, cộng đồng, việc nước, việc dân.... là những cái chướng ngại trên con đường tiến bộ của Bạn. Tại sao thế?
          Khi có cái Ý Thức về cái pháp sinh ra, nó sẽ cản trở ngay lập tức sự thành tựu trí tuệ.           Nhưng Bạn đừng nên sợ hãi những cái pháp này. Đức Phật dạy "ehipassiko". Cái pháp này nó sinh ra để kêu gọi Bạn xin Bạn hãy NHẬN BIẾT và HIỂU nó. Nếu chúng nó phát sinh, Bạn phải nhận biết và hiểu nó. Bạn cũng phải nhận biết sự Sanh và Diệt của chúng nó. Đó chính là kỹ thuật phát triển Tuệ Giác (Vipassana). Chúng nó đến và rồi nó đi, nhanh lắm. Bạn liên tục quán xét nhận diện nó thì chúng nó sẽ không có cơ hội sinh ra nữa. Lúc đó chỉ còn lại Tuệ càng lúc càng tăng mãi mãi.

21. Ehipassiko Vẫy gọi đến để nhận biết và hiểu.
          Những đối tượng từ bên trong tâm Bạn sẽ xuất hiện ra và vẫy gọi mời Bạn nhìn nó và biết nó. Nó dụ ngọt Bạn. Chỉ có nó thôi, không có cái gì cả. Nó mời Bạn hãy nhìn nó nhé. Nếu là hành giả thiện xảo, Bạn sẽ không bị nó đánh lừa. Nếu Bạn cảm thấy buồn ngủ thì hãy Nhận biết và Hiểu cái Buồn Ngủ. Tất cả những cái Thức xuất hiện chính là ehipassiko (Chúng mời gọi Bạn như là hãy nhìn ta đây....).
          Nên nhớ rằng, sanditthiko chính là nhận biết. Thấy được cái Sinh Diệt thì là akaliko.  Ở vào thời điểm này Bạn rất cần có một ông Thầy kế bên cạnh. Đừng tưởng rằng Bạn đã quá rành về Thiền và biết phải làm sao rồi...! Khi Bạn đối diện những cái khó khăn thì chính Thầy của Bạn sẽ giúp Bạn và cùng với Bạn giải quyết những cái khó khăn đó. Nếu không thì Tuệ của Bạn không thể phát triển được. Bạn chỉ sống và hành thiền với cái Tưởng là Bạn đã thành công. Dĩ nhiên như thế thì sự thành công của Bạn cũng chỉ là tưởng tượng mà thôi.
          Cảm Thọ là đối tượng lúc khởi đầu trong tiến trình quán chiếu. Nhưng cuối cùng thì là cái Thức (consciousness). Khi Bạn có thể nhạy bén thiện xảo trong sự quán xét cái Thức thì những sự Sinh Diệt cũng kết thành nền tảng, tiến trình thành lập kiến thức nhận biết và hiểu về Vô Thường. Cái Thức này liên tục Sinh ra và tăng trưởng như những đợt sóng thuỷ triều. Hết đợt này đến đợt khác. Chúng mời gọi Bạn đến để nhận biết chúng nó. Nếu Bạn bỏ quên một sát na thì có một khoảng trống về sự Nhận Biết phát sinh.  Tuệ của Bạn có một lỗ hổng to lớn.Vòng Nhân Duyên sẽ tiếp tục xoay và Bạn sẽ rơi vào sinh tử không có lối ra. Khổ não cứ thế kéo theo sau.
          Đức Phật dạy :"sakatam, samitam, abbokinnam". Nếu một chuỗi Tuệ sinh ra, chớ để một pháp nào chen vào. Sakatam có nghĩa là làm cho chuỗi Tuệ luôn cứng chắc, không cho một pháp ngoại  nào chen vào. Samitam là chớ để cho cái chuỗi Tuệ này gãy hay đứt khúc. Abbokinnam là chớ có nhầm lẫn hay trộn lẫn với các pháp nào khác.
          Thế nếu như có pháp bất thiện nào khởi lên thì sao ? Nên nhận rõ là các pháp bất thiện đều rất quyến rũ (mara). Nó là Ma. Bạn khó có thể cưỡng lại nó. Chúng chính là cái bản chất lười, dễ duôi của chính Bạn . Ưa thích ăn ngon, ưa thích cãi cọ, ưa thích ngủ, ưa thích nghe lời khen ngợi, ưa thích nói láo, vân... vân.  Thế đấy. Nhưng Bạn nên nhớ một bí quyết mà Phật dạy trong kinh Tứ Niệm Xứ là khi các pháp này được nhận biết và hiểu thì chúng không còn là kẻ thù của Bạn mà trở thành bạn thân của Bạn. Vì nhờ chúng mà Bạn hiểu về con người thực của Bạn hơn. Tuệ Giác phát sinh từ đó. Phật có dạy nhưng Bạn có thực lòng khiêm cung mở lòng lắng nghe lời Ngài dạy không? . Khi các pháp bất thiện (interference becomes friends) trở thành bạn thân thì sao nhỉ ? Chính chúng cũng chịu một quy luật Sinh Diệt. Bạn quán sát kỹ chúng nó sẽ thấy chúng cũng theo quy luật Sinh và Diệt. Như thế Bạn đang quán Sinh Diệt, tức là quán Vô Thường. Tiến Trình phát triển Tuệ Quán về Vô Thường sẽ không bị ảnh hưởng mà trái lại còn được tăng trưởng.  Cái Tuệ trước là cái Biết về Vô Thường. Cái Tuệ sau cũng là cái Biết về Vô Thường. Vậy thì còn chỗ nào cho các pháp khác (thiện hay bất thiện) chen vào được. Nhờ thế chu trình phát sinh và tăng trưởng của Tuệ khép kín.
          Như vậy trong lúc hành thiền, các pháp bất thiện xuất hiện vì Bạn ưa thích chúng nó từ bao nhiêu kiếp và bao nhiêu năm nay rồi, thì đừng sợ hãi. Khi chúng xuất hiện hãy Nhận Biết chúng. Khi chúng biến mất cũng phải nhận biết sự biến mất của chúng. Chỉ sợ là Bạn không Nhận Biết là có cái pháp bất thiện xuất hiện trong tâm của Bạn.
          Đức Phật dạy "asavanam khaya" vì không còn avasa nên cũng không có phiền não. Niết bàn sẽ xuất hiện. Cái arahattaphala xuất hiện với Định. Pannyavimuttam xuất hiện với Tuệ. Ditthevadhamme ngay trong cuộc đời này. Ngài dạy rằng chẳng cần nói chi đến 7 năm. Nếu Bạn là người có trí tuệ và quyết tâm Bạn có thể thành tựu ngay trong tầm tay với, khoảng 7 ngày. Vào thời Phật, có nhiều vị chứng A La Hán trong 15 phút như ông Bahiya (Phẩm Ngàn, Kinh Pháp Cú). Nếu Bạn không phải là loại người có Tuệ cao như thế thì Bạn cũng thành tựu NGAY trong đời sống này. Đời này là đời chót. Chìa khoá của cánh cửa giải thoát nằm trong tay Bạn. Hãy mở cửa giải thoát nhé Bạn,
          Nào thử áp dụng trong thực tế hành trì nhé. Bạn ngồi thiền chưa cảm thọ đau ngay lúc đầu. Từ từ cái Đau sẽ xuất hiện.  Trong giai đoạn đầu thì Bạn quán cái gì nào nếu không có cái đau ? Bạn sẽ quán cái Không Đau. Bây giờ thì Bạn quán cái Đau. Bạn quán tất cả cái Cảm Thọ và sự Sinh Diệt của chúng nó. Khi Bạn quán chiếu nó kỹ như thế thì Cảm Thọ và Tham Ái không có cơ hội theo sau. Nó bị Bạn chặt đuôi mất rồi. Vedana paccaya tanha. Tham Ái, dính mắc không còn theo kịp nữa. Kamasava và bhavasava bị huỷ diệt. Ngay vào lúc đó, Thân Kiến (ditthi) cũng bị huỷ diệt (ditthisava). Cái chấp thủ vào sự hiện hữu (avijjasava) cũng bị giải hoá. Chỉ còn lại Vô Thường và Sự Nhận Biết và Hiểu Rõ về Vô Thường của Bạn. Chỉ còn lại duy nhất Vô Thường và Bạn chứng nghiệm được cái bản chất Vô Thường vì Bạn chỉ nhận biết Vô Thường mà thôi. Tuệ Giác phát triển từng tầng cao hơn và càng ngày càng cao hơn. Trong khi hành trì, Bạn sẽ theo phản năng tự vệ tự nhiên tìm cách ra khỏi cái quán Sinh Diệt đó. Và như thế cái khả năng Buô ng Xả (equanimity) của Bạn sẽ xuất hiện và tăng trưởng. Khi Bạn không còn quán cái Sinh Diệt nữa thì ngay lúc đó Bạn thể nhập được tịch tĩnh của Niết bàn. Nếu Bạn thực hành theo phương pháp này thì Bạn có thể đạt được Tuệ ngay trong đời này.
          Đừng nản lòng vì thấy nó khó khăn nhé.  Khi bạn đã cắt đứt vòng tròn Sinh Diệt của Vô Thường thì lúc đó Tuệ Giác trưởng thành cao độ. Chính cái Tuệ này giúp Bạn không còn quyến luyến ái nhiễm hay thủ đắc một pháp nào cả. Chính cái Tuệ này sẽ cắt đứt vòng sinh tử luân hồi của Bạn từ trong vô lượng kiếp qúa khứ cho đến nay.
          Khi một pháp, đối tượng xuất hiện Bạn phải quán xét nó ngay lập tức và thật cẩn trọng, không để nó xuất hiện mà Bạn không biết. Đó là satipatthana. Và khi quán chiếu Bạn phải chú tâm đến sư Sinh Diệt của đối tượng. Đó chính là satiphatthanabhavana. Khi Bạn quán xét nhận biết đối tượng như là sự Sinh Diệt là bạn đang quán Vô Thường. Nếu có, thì Bạn hãy xem chúng là đối tượng cần quán xét về Sinh Diệt. Hãy quán xét Vô Tư nhé. Chớ để cái Tôi, Của Tôi (I, Me, Mine) xen vào. Tiếp tục liên tục như thế là Bạn đang hành trì đúng pháp vipassana gamini patipada.



[1] Tham chiếu nguồn: Cẩm Nang Manual of Abhidhamma, Ven Narada Thera Vajirarama, Columbo, Ceyclon.

No comments:

Post a Comment