Thursday, May 25, 2017

LÀM SAO KHI CHẾT CÓ NỤ CƯỜI ? (BÀI 2)

2. Bốn Loại Người Không Sợ Chết Là Ai ?

          Loại Người Thứ Nhất Không Sợ Hãi khi Chết.
          Loại thứ nhất là những người khi cận chết đã biết rõ, hiểu rõ, thể nghiệm, chứng nghiệm bằng tuệ giác rằng con cái, vợ chồng, của cải, quyền chức là vô thường, không phải của ta, không có thực tánh, ngay chính bản thể của chúng nó cũng là vô thường. Những người này vì đã hiểu rõ nên trong tâm thức đã chuẩn bị và biết rõ vô thường là vô thường, vô ngã thực sự là vô ngã. Khi thân (khandha) cảm nhận cái sự tăng trưởng cao của Cảm Thọ, người ấy biết chắc rõ sự cảm thọ này không sanh ra do ước muốn, hay dính mắc mà cũng không thể biến mất bằng sự không chấp nhận, chối bỏ.
          Đức Phật đã dạy nếu người ấy thể nghiệm rõ rằng con cái, tài sản, vợ chồng, quyền lực (kể cả chuà chiền, luận thuyết, đệ tử….) cũng không có cái chủ thể NGÃ trong đó, họ không còn chút sợ hãi cái chết nữa.

          Loại Người Thứ Hai Không Sợ Hãi khi Chết.
          Loại thứ hai không sợ chết cũng thế. Họ thể nghiệm vô thường, khổ, vô ngã và thể nghiệm cái TA cũng chỉ là không thực như thế, thì họ cũng sẽ không còn sợ hãi khi đối diện vơi cái cận chết.

          Loại Người Thứ Ba Không Sợ Hãi khi Chết.
          Loại thứ ba là những người luôn luôn quán chiếu hằng ngày, hằng đêm, bằng tỉnh giác thiền tuệ. Họ biết chắc không một chút mảy may nghi ngờ rằng họ sẽ sanh về Niết Bàn hay Sugati[1] ; nơi mà họ sẽ phải hoàn tất những cái còn thiếu sót, thì họ cũng sẽ không còn sợ hãi nữa, phải không ạ ?

          Loại Người Thứ Tư Không Sợ Hãi khi Chết.
          Loại thứ tư là những người luôn quan sát với tuệ quán ngay khi cận chết về các hiện tượng sanh diệt (Phyit-Pyet) của các pháp. Họ biết rõ các pháp sanh thì các pháp cũng diệt. Loại người này cũng không còn sợ hãi chết nữa phải không các bạn ?
          Vấn đề mấu chốt ở đây là Xúc duyên Thọ. Hễ Bạn còn hằng ngày thông qua năm căn Xúc (phassa contact) với con cái, chồng vợ, của cải, chùa chiền, đệ tử thì việc dứt bỏ THỌ và ÁI là chỉ là mộng huyễn, không thể thành tựu đạo quả được. Đó là nguyên nhân tại sao đức Phật trong kinh Tứ Niệm Xứ dạy các đệ tử tỳ kheo của Ngài phải cách ly, vào rừng, ngồi một chỗ vắng thường xuyên quán chiếu. Vào rừng không có nghĩa là Bạn phải vào rừng thực sự, nhưng tìm một nơi vắng vẻ không có các yếu tố ngoại thân ảnh hưởng đến việc hành trì của Bạn. Nhất là chính Bạn phải Khoá cái Miệng của Bạn. Hễ còn mở miệng là còn tạo  cơ hội cho các pháp bất thiện chen vào ngay lập tức.
          Cổ đức có nói:
Há khẩu thần khí tán
Động lưỡi thị phi sanh
(Mở miệng ra là năng lượng lành bay mất. Khởi động nói là chuyện lành dữ đúng sai theo đuôi)
          Đức Thế Tôn cũng dạy Ngài Rahula như sau: “Này Rāhula, bởi vậy con hãy yếm ly con mắt, yếm ly các sắc, yếm ly nhãn thức, yếm ly nhãn xúc, do duyên nhãn xúc này, được khởi lên thọ, tưởng, hành, thức; con hãy yếm ly các pháp được khởi lên ấy”. “Con hãy yếm ly tai, yếm ly các tiếng...; yếm ly mũi, yếm ly các hương...; yếm ly lưỡi, yếm ly các vị...; yếm ly thân, yếm ly các xúc...; yếm ly ý, yếm ly các pháp…; yếm ly ý thức, yếm ly ý xúc. Do duyên ý xúc này, được khởi lên thọ, tưởng, hành, thức; con hãy yếm ly các pháp được khởi lên ấy”. Do yếm ly, con được ly tham. Do ly tham, con được giải thoát. Trong sự giải thoát là sự hiểu biết: "Ta đã được giải thoát ". Và con biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
          Các đại đệ tử thánh tăng của Ngài cũng làm theo y như thế. Chỉ bằng tuệ quán thành tựu trong kinh nghiệm nắm bắt sinh diệt của các pháp thì khi cận tử người này sẽ không còn sợ hãi nữa.
          Đức Phật dạy: trí tuệ (Magga) của hành giả về bản chất vô thường hiện hữu và sự vận hành của pháp duyên sanh sẽ giúp người đó vững chải ngay khi đối diện với cái chết. Ngài nói tiếp: “Này Punna, Brahmin, Như Lai sẽ giải thích rõ cho ngươi. Hãy lắng nghe.” “Chỉ những người đặt con cái, vợ chồng, của cải, quyền chức, chùa chiền, đệ tử, luận thuyết…v…v là đề mục của thiền tuệ quán và thường xuyên  Quán Xét Đề Mục Ấy như thế bằng tuệ giác trực nghiệm, thì khi cận tử, người ấy sẽ xuyên suốt thể nghiệm Cảm Thọ và sự sinh diệt của nó. Họ sẽ không còn nghi ngờ hay sợ hãi gì về cái chết”.
          Những người này đã hoàn tất những việc cần làm để thanh tịnh thân tâm thì chắc chắn họ sẽ có nụ cười trên môi khi họ chết vì (i) họ không còn sợ hãi hay nghi ngờ về nơi mà họ sẽ đến sau khi chết. (ii) Những người cũng có nụ cười khi họ chết vì họ biết họ đang trên tiến trình hoàn tất những việc cần phải làm và họ sẽ sanh vào cảnh giới tốt (thí dụ như cõi Cực Lạc) để tiếp tục những việc họ đang làm dở dang.
          Trường hợp Kisā Gotamī là một thí dụ:
Đức Phật dạy:
Tâm còn bị đắm say[2]
Con cái và súc vật[3]
Tử thần bắt người ấy[4]
Như lụt trôi làng ngủ[5].
          Kinh Pháp cú câu 287
Nghe xong Kisā Gotamī liền chứng Tu-đà-hoàn, đầy đủ tứ bất hoại tín. Nàng xin Phật được xuất gia, đức Phật chấp thuận và đưa nàng cho Tỳ kheo ni Kiều Đàm Di (Mahāpajāpatī Gotamī) làm lễ xuất gia trong ni đoàn. Sau khi xuất gia Tỳ kheo ni Kisā Gotamī tinh tấn thực hành thiền quán trong từng cử chỉ oai nghi. Khi thân như thể nào thì ghi nhận như thế đó, thân bước tới thì biết là đang bước tới; thân bước lui thì biết là đang bước lui; khi co tay duỗi chân thì biết đang co tay duỗi chân; khi đang ngồi thì để ý điểm xúc chạm của thân và mặt đất; khi thở vào thở ra thì thấy sự chuyển động của sự hô hấp…. Quán sát một cách thuần túy, liên tục; thân như thế nào thì thấy đúng như thế ấy, không tưởng tượng, không áp đặt gì thêm, không có TÔI trong đó. Tuy là đơn giản nhưng sự kỳ diệu là chính nhờ TÂM chăm chú quan sát những hành động bình thường như vậy mà thấy được sự sanh diệt (vô thường) của các pháp trong từng sát na. Thấy vậy, biết vậy, thể nghiệm vậy, chứng vậy, Tỳ kheo ni Kisā Gotamī trở thành một vị A-la-hán.
          Bốn nhóm người không sợ hãi khi chết đã có đủ năng lực quán chiếu sự sinh diệt của cảm thọ. Họ có một cái hiểu thanh tịnh về summum bonum - một trạng thái mà Phật học gọi là Niết Bàn. Ngay cả tuệ tri về những quả vị mà họ sẽ chứng đắc. Liệu rằng họ có mỉm cười khi chết hay không ? Đức Phật cũng thế. “Không những ta đã thấy Niết Bàn mà chính ta đã thể nghiệm mùi vị Niết Bàn (Magga Phala)”.



[1] Giống như cõi Cực Lạc tạm thời trong Kinh Vô Lượng Thọ hay Kinh A Di Đà.
[2] đắm say tức là vô minh + tham ái do Thọ duyên Ái nên đau khổ. Đây là trạng thái khát ái của Tâm (Desire)
[3] các vật hữu hình
[4] tử thần chính là sinh tử luân hồi của chính ta. Nghiệp này do ta tự tạo vì vô minh tham ái
[5] Ngủ say trên vô minh quên nên bị lụt tham ái trôi

No comments:

Post a Comment