Thursday, May 25, 2017

LÀM SAO KHI CHẾT CÓ NỤ CƯỜI ? (BÀI 7)

14. Năng Lực Quán Chiếu Satipatthana là gì?
          Đức Phật đã thể nhập Niết Bàn ngay lúc Ngài còn tại thế và đã dạy: Nếu hành giả áp dụng đúng phương pháp với nỗ lực tinh tấn không ngừng thì hành giả sẽ thể nhập Niết Bàn. Nơi đó sẽ chấm dứt các khổ não do sinh,  già, bệnh, chết..... và có thể hoàn thành ngay trong Một Kiếp Này. Đức Phật chỉ nói những lời chân thực, có đúng không các bạn ?
          Trong kinh Anguttara Nikaya (sandra sutta), đức Phật dạy như sau: "Ekacco puggalo sabbasankharesu aniccanuppassi viharati, Aniccasanni aniccpatisam satatam sarmitam abbokinnam cetasa adhimuccamano pannaya pariyogalhamano". Đây là lời của chính đức Phật, chúng ta nên trân trọng.
          Có bốn loại quán xét tỉnh giác.
- Kayanupassana - Quán sát Sắc - Observing matters/body
- Vedananupassana - Quán sát Cảm Thọ - Observing Feelings
- Cittanupassana - Quán xét Tâm - Observing consciousness
- Dhammanuppassana - Quán xét Pháp - Observing the natural phenomenon
          Thế thì chúng ta cần phải hiểu và thực hành ba thứ hay là ba giai đoạn sau đây: (trong kinh Samyutta Pali, Vibhanga sutta).
1 - satipatthana (năng lực quán chiếu) (Tiếng Anh đã dịch lâu nay là mindfulness, thực ra dịch như thế không chính xác với ý nghĩa và mục đích của nó. Sẽ được phân tích kỹ trong đoạn sau)
2 - satipatthanabhavana (quán chiếu sinh diệt)
3 - Cách hành trì.
          Trong kinh Samyutta Pali (Anguttara), hành giả phải bắt đầu bằng satipatthana.  Có bảy lợi ích cho người thực hành satipatthana; thanh lọc tâm, giải trừ hối tiếc, khổ đau, hết còn đau khổ về thân và tâm, bước vào đúng con đường an lạc chánh pháp và tiến đến Niết Bàn.
          Nhưng Satipatthana là gì ? Chánh Niệm ư? Tỉnh Giác ư ? Ngôn ngữ nhiều khi dịch qua nhiều ngôn ngữ khác càng làm cho hành giả hoang mang và lẫn lộn.
          Chữ satipatthana thường được phiên dịch như là Chánh Niệm hay Tỉnh Giác (mindfulness) do được dịch từ tiếng Anh và lâu ngày được mọi người công nhận như thế là đúng. Tuy nhiên, nghĩa ngữ của nó có thể được hiểu rõ hơn nếu được chiết tự và khảo sát từng chữ, từng phần và toàn thể.
          Nó có thể chiết tự hai cách: sati+patthana hoặc  sati+pa+(t)thana. Chữ Sati có nguyên ngữ từ chữ gốc samsarati có nghĩa là ghi nhớ (remember), nhưng vì nói đến cái tâm (mind, mental factor) nên nó biểu trưng cho sự hiện hữu của tâm, ngay lúc này, bây giờ, cảnh giác, thay vì là kho lưu trữ thông tin của quá khứ. Patthana có nghĩa là cứng, chắc, không dời đổi, áp dụng cứng chắc,  thành lập. Nếu nối hai từ này thì nó có nghĩa là áp đặt, chắc, cứng, không dời đổi của sự chú tâm, cảnh giác hay nhận biết trên đối tượng.  Sự nhận biết này gọi là suppatitthita (steadfast mindfulness) cẩn trọng cao độ nhất.
          Do đó, chữ sati có thể hiểu là năng lực quán sát (Oberserving power). Sati có nghĩa là không trôi dạt chỗ khác, dích chắc vào đối tượng, đề mục (apilapana lakkhana). Sự ghi nhận của Tâm về đối tượng không  thể phớt sơ sơ về bề mặt. Ngược lại, Tâm của hành giả phải chìm sâu vào đối tượng và đề mục đang quán chiếu, giống như một viên sỏi bị ném vào nước và nó sẽ chìm tới tận đáy hồ.
          Giả dụ như Bạn đang quán xét hơi thở ngay bụng, bạn phải luôn bám sát sự phồng xẹp là đối tượng, và tâm của bạn sẽ đi sâu hơn nữa vào cái sự Sanh và Diệt của cái phồng xẹp. Khi Tâm của Bạn thể nhập sâu vào cái Sinh Diệt của phồng xẹp của đối tượng, bạn sẽ ghi nhận được bản chất, cường độ, tốc độ, áp lực, và tiến trình của Sinh và Diệt của nó. Cũng như thế, nếu bạn dùng hơi thở qua lỗ mũi để làm đề mục thì Bạn phải theo dõi hơi thở Ra, Vào, từ lúc bắt đầu khi thở vào và cho đến cuối cùng của cái hơi thở vào này, các yếu tố bản chất, cường độ, áp suất, nhiệt độ của hơi thở vân vân..
          Chức năng của Sati là diệt trừ hoang mang, hay nói đúng ra là Không Quên (non-forgetfulness asammosa rasa). Có nghĩa là sự ghi nhận và quán xét không thể làm một cách lơ là hay cẩu thả. Không thể bỏ qua bất cứ một hoạt động nào của đối tượng đề mục. Cũng không cho nó biến mất. Nói tóm tắt là nhiệm vụ của Sati là GIỮ cho đối tượng luôn trong tầm ngắm. Giống như người thủ môn của đá bóng không bao giờ rời mắt ra khỏi trái banh.
          Satipatthana có 2 nhiệm vu chính. Thế 2 cái đó là gì ? Thứ nhất là trực đối với đối tượng đề mục (confrontation) và thứ hai là bảo vệ bám chắc (protection).
          Thứ nhất, tâm của Bạn phải trực diện với đối tượng đề mục của quán sát (visayabhimukha bhava paccupatthana). Tâm của hành giả luôn luôn trực diện với đối tượng đề mục. Bạn phải đối diện trực tiếp với đối tượng, và quán sát nó kỹ lưỡng thì may ra sự phán xét của bạn về đối tượng có thể chính xác. Nếu bạn đứng ở một góc độ nào khác hơn là đối diện trực tiếp (face to face) thì bạn có thể không nhận ra rõ ràng đối tượng.
          Cũng như thế nếu bạn quán xét hơi thở Ra hay Vào nơi chót mũi (hay sự phồng xẹp của bụng) thì bạn phải đối diện với cái hơi thở đó (hoặc sự phồng xẹp) trực tiếp. Nếu bạn đối diện trực tiếp với nó thì bạn sẽ nhận ra sự tăng, giảm, áp lực, nhiệt độ, và chuyển động của nó. Nếu tiếp tục như thế một thời gian thì Bạn sẽ khám phá ra sự tịch tĩnh của Tâm vì các pháp bất thiện sẽ không có cơ hội chen vào giữa tiến trình quán xét.
          Thứ hai, Tâm của bạn phải bảo vệ đối tượng như là không thể rời nó được. Trong thời gian quán xét miên mật như thế Bạn sẽ không bị các pháp khác (kilesas) tấn công (arakkha paccupatthana). Khi Sati tỉnh giác quán xét hiện diện, các pháp bất thiện sẽ không có cơ hội xâm nhập vào dòng tâm thức. Chính cái sati này sẽ làm người bảo vệ gác cửa cho 6 căn. Nó sẽ không cho phép các pháp xấu (akusala) hoặc hư hỏng, phá hoại vào. Nó chỉ cho phép các pháp thiện hoặc hữu ích (kusala) vào. Như thế Tâm của Bạn được bảo vệ nghiêm mật.

15. Liên Tục: một yếu tố quan trọng
          Liên Tục: Khi Tâm ghi nhận một đối tượng đề mục vừa phát sinh thì phải bám chắc vào đề mục đó và liên tục. Không để cho bất cứ một pháp nào chen vào giữa sự quán xét và đối tượng. Ngay khi đối tượng phát sinh thì Tâm quán xét phải nhận ra và bám sát nó. Không thể chậm trể một giây. Nếu bạn lơ là không cảnh giác cao độ thì đối tượng đã biến mất, bạn không còn thời gian nhận biết nó nữa. Như vậy Bạn không hành trì Thiền Tuệ. Bạn sẽ không có khả năng sống Tỉnh giác và quán xét bằng Tuệ với các pháp Thực Tại.
          Khi có hai hay nhiều tiến trình hay đối tượng xảy ra cùng một lúc, Bạn cũng phải lập tức ghi nhận và và quan sát các hiện tượng này cùng một lúc.
          Cao độ: chữ pa trong sati - pa nhấn mạnh đến yếu tố tập trung cao độ (visitta = intensive) và kiên nhẫn (bhusattha = persistent). Trong Thiền Tuệ thì sự tỉnh giác thông thường (mindfulness) không còn có ý nghĩa gì nữa. Thế chữ pa này có những đặc tính gì ?
          - Nhảy vào (rushing pakkhanditva pavattati). Ngay khi đối tượng xuất hiện, Tâm phải nhảy vào chụp lấy đối tượng bằng tất cả năng lực của mình và can đảm (nhiệt tâm, tinh cần). Nó chụp nhanh lấy (attack) đối tượng không chút lơ là, ngần ngại, không suy tư, phân tích, thắc mắc hay thêm thắt gì nữa. Vài thí dụ sau đây để Bạn có thể hiểu khái quát về cách quán chiếu này.
          - Ngay lập tức: tập trung hết năng lực, ngay lập tức, năng động, bằng mọi giá. Giống như bạn đưa một người nào đó đi cấp cứu tại bệnh viện, không có thì giờ suy nghĩ hay chậm trễ.
          - Nắm bắt giữ ngay: chụp bắt giữ đối tượng giống như một người lính tấn công địch thủ bằng tất cả lực lượng và bất ngờ
          - Di chuyển các đối tượng vào một chỗ, giống như đám đông tập trung vội vã trước cổng sân đá bóng trước khi trận đấu khai mạc.
          - Di chuyển cực nhanh: Tâm phải ghi nhận thât nhanh và quán xét đối tượng khi nó vừa mới xuất hiện. Giống như người thợ đập thép phải đập nhanh và mạnh ngay khi thỏi sắt vừa bị nung đỏ cháy. Để chậm thì đối tượng sẽ biến mất, không còn trong sự ghi nhận của Tâm.
          Bạn không nên ngưng nghỉ bất cứ khoảnh khắc nào trong việc ghi nhận và quan sát, không thể thong thả, trễ nãi. Không để cho Tâm có một chút khoảnh khắc trống nào vì nếu có thì ngay lập tức các pháp khác sẽ chen vào, Tâm sẽ lang thang. Chính cái Tâm lang thang này tạo nên Nghiệp lang thang, và Nhân Quả vận hành. Sống lang thang thì chết cũng sẽ lang thang. Sinh tử luân hồi là lẽ tất nhiên. Và ngay trong lúc còn sống cũng lang thang vô định. Không làm việc gì thành công vì cái Tâm lang thang làm chủ Bạn.

15. Những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự chú tâm quan sát.
          Có 2 nhân tố quan trọng ảnh hưởng cho năng lực quán xét: Ghi Nhận Cao Độ, và bốn thành tố đối tượng của quán xét.
          Yếu tố thứ nhất là Sana sự ghi nhận rất cần trong sự thấy, biết và bám chặt đề mục. Nó tăng thì lực quán xét tăng theo. Nó có 2 chức năng: Nhận Biết và Ghi lại bất chấp là thiện hay bất thiện pháp. Sana có thể ví như cái máy thâu âm. Máy cứ thâu bất chấp chất lượng của âm thanh, hay nội dung. Một cái máy tốt sẽ cho người nghe lại những âm thanh hay và chính xác. Cũng như thế, trong khi hành trì thiền, sự ghi nhận rõ ràng và biết bản chất của đối tượng chính là nguồn lực tăng cho sự tỉnh giác.
          Yếu tố thứ hai là bốn thành tố của sự quán xét. Có nghĩa là sự tỉnh giác ghi nhận chính là nguyên nhân tăng lực của sự tỉnh giác ghi nhận. Nó là một chuỗi phát triển liên tục . Cái này là động lực kích tác cho cái kế tiếp. Giống như học trò từ tiểu học lên trung học và rồi đại học. Khả năng học giỏi lớp dưới sẽ tăng khả năng học của lớp trên hơn.
          Tóm tắt, sự nỗ lực nhận biết tỉnh giác dẫn đến sự tỉnh giác mạnh hơn và tốt hơn. Vì thế, hành giả cần phải nỗ lực liên tục không mệt mỏi trong việc ghi nhận (observation) (nhiệt tâm, tinh cần, tỉnh giác như đức Phật dạy trong kinh Tứ Niệm Xứ). Giống như người cầm hai thanh củi cọ xát vào nhau để lấy lửa. Phải cọ thật nhiều,, thật nhanh, thật lâu cho tới khi 2 thanh củi nóng đủ sức bật ra lửa. Phần thưởng luôn dành cho những người kiên nhẫn, liên tục, nỗ lực hành trì.
          Tự Kỷ Luật là chính yếu. Bạn có thể tự kỷ luật chính mình hay không ? Bạn mỗi ngày 6 tiếng ngồi thiền và tự cam kết là trong giờ Bạn đã quy định ngồi thiền thì dù có chết cũng không đứng dậy, vợ chết, con chết, chồng chết cũng không đứng dậy. Giống như Phật đã phát nguyện trước khi ngồi dưới gốc Bồ Đề là nếu không thấy đạo thì bỏ xác nhưng không rời gốc cây Bồ Đề. Bạn có làm được như thế mới mong thoát ra khỏi sinh tử luân hồi.
          Còn nếu không thực hành như thế thì chỉ là nước chảy qua cầu. Thiền theo thời trang cho vui , cho qua ngày, cho giống giống người tu. 
Ai tu, ta cũng cạo đầu
Ai thiền ta cũng gục đầu ngồi theo ....
          Sự thành tựu sẽ không bao giờ đến được giống như cọ 2 thanh củi vào nhau một chút rồi để nguội lâu lâu làm tiếp chơi chơi.... cho có lệ. Sẽ không bao giờ có lửa cháy từ cách cọ hai thanh củi như thế cả. Phiền não vẫn dẫy đầy và chính những phiền não này sẽ tạo ra sân hận vào giờ phút cận tử (bất như ý) của bạn, và sẽ dẫn bạn đến một cảnh giới mà Bạn ghê sợ không bao giờ muốn đến..

16. Loại Trừ Tà Kiến
          Bước đầu: Dẹp bỏ tà kiến (ditthi), là một trong 3 cái triền cái cản trở hành trình vào Sotapanna.
          Nên nhớ, bốn cái yếu tố tứ đại (4 Dhatus) luôn luôn xảy ra cùng lúc và cùng liên đới, khi hành giả ngồi thiền và hành trì Thiền Tuệ.
          Khi cảm Thọ (Vedana) xuất hiện sẽ dẫn đến tà kiến vì cái Tưởng. Sự đau đớn, tê dại của cơ thể v.v.. Hành giả phải tuần tự quán Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Quán một cách liên tục, thấu triệt và xuyên suốt. Đức Phật dạy: Pathavi Dhatu (yếu tố đất), Àpo Dhatu (yếu tố nước), Tejo Dhato (yếu tố nhiệt), và Vàyo Dhatu (yếu tố gió, chuyển động). Hành giả cần phải thấu triệt các yếu tố của tứ đại (4 Dhatus) thì mới có thể thâm nhập và thể nghiệm cái Tưởng và thấu triệt sự thực của Paramattha Dhamma.
          Lúc đầu, hành giả nên chú ý đến sự chuyển động Ra và Vào của hơi thở ngay nơi chót lỗ mũi. Khi chú ý quán sát như thế thì cảm thọ sẽ phát sinh do ngồi lâu thì Thân đè nặng trên sàn nhà. Bạn sẽ thường thường cho rằng có cái đang xảy ra như là cái đau, cái tê, cái nhức, v..v…
          Nhưng sự thật có phải như thế không ? Đó chỉ là tiến trình cảm thọ đang xảy ra trên những cái thức của Pathavi Dhatu (vật lý tánh). Vì nhận thức sai theo quán tính, nên bạn sẽ cố gắng triệt tiêu hay tìm cách dẹp bỏ những cái hậu quả thay vì những cái nguyên nhân. Đức Phật dạy: “Hãy huỷ diệt cái nhân thì cái quả sẽ không sanh ra nữa.” Bạn có lãnh hội ý này không ?
          Thế nên, nếu bạn chỉ hành thiền để tiêu diệt cái hậu quả (cái cảm thọ của cái Tưởng) như là cái hiện tượng đau nhức, cái tê, cái khó chịu.. v..v thì bạn sẽ không thể huỷ bỏ những cái nguyên nhân thực sự và không thể dẹp bỏ Tà Kiến. Hành thiền như thế, Bạn chỉ có thể làm dịu nhẹ cảm thọ của Thân và có thể tiến vào cái định Samadhi nhất thời nhưng không bao giờ có TUỆ phát sinh.

17. Tóm tắt cách hành trì Satipatthana ?
          Từ lâu nay, satipatthana được dịch sang Anh ngữ là mindfulness và sang Việt ngữ là Chánh Niệm. Thực sự ra nó không hẳn là như thế. Satipatthana là cảnh giác cao độ về một đối tượng, đề mục bằng cách tấn công vào đề mục đó ngay lập tức, kiểm tra toàn diện nó, và bám chắc vào nó không rời một giây nào cả. Như vậy, Tâm của Bạn sẽ theo sát đề mục và dính chắc với nó. Không có một khoảng hở nào từ lúc phát hiện sự xuất hiện của đối tượng và đề mục cho tới khi nó biến mất. Như vậy áp dụng cho cả Tâm và Thân.
          Như vậy, sati phải năng động (dynamic) và trực diện (confrontation), phải thâm nhập đối tượng, bao quát toàn bộ nó, không bỏ qua một yếu tố nào của nó.
          Thí dụ: nếu bạn quán sát một cảm giác xuất hiện trên thân (emotion /sensation on your body ), bạn phải nhận diện ra nó ngay lúc nó xuất hiện, nơi chốn (ở đầu hay ở tay) ? bản chất (ngứa, khó chịu hay dễ chịu) ? cường độ (cao hay thấp) ? yếu tố tính chất (nóng, lạnh...) ? thời gian (dài hay ngắn..) ? thay đổi hay không ?..... Lúc nào nó biến mất ? Bạn phải biết rõ và không có khởi Tâm thay đổi tính chất của nó (manipulate). Chỉ cần THẤY nó và BIẾT nó như nó là. (See it as it is).
          Nếu bạn liên tục, cảnh giác, cẩn thận nhận biết và quán xét mọi hiện tượng của Thân và Tâm như thế thì bảo đảm là Bạn sẽ thành tựu trong tiến trình Thiền Tuệ và Trí Tuệ sẽ phát sinh. Niết Bàn chỉ là cái với tay[1] của Bạn mà thôi.
Nói tóm lại, satipatthana có những yếu tố tạm ghi ra vài nét sau đây để Bạn dễ nhớ.
          - bám chắc và sát đề mục
          - không giả sử, chấp nhận thực thể. Đề mục là nó. Cái gì xuất hiện trên Thân và Tâm ?
          - luôn giữ đề mục trong tầm ngắm, không rời nó
          - Trực đối với đề mục một cách cứng rắn , như Bạn phải dạy một đứa con ngỗ nghịch
          - Ngăn cản Tâm của Bạn không bị các bất thiện pháp xâm nhập, bằng cách Nghiêm Trì Giới Luật, nhất là giới Khẩu. Đóng khép 5 căn. Tránh giao tiếp nhiều với bên ngoài. (Kinh Trung Bộ). Càng giao tiếp càng bị ảnh hưởng của ngoại cảnh và các pháp bất thiện dẫn dắt say mê lạc lối.
          - Có niềm tin nơi Tam Bảo vững mạnh, bất động. (Kinh Tăng Chi Bộ).
          - Ngay lập tức tấn công đề mục không ngần ngại, không chờ đợi giống như Bạn phải cứu người đem đi cấp cứu
          - Tinh tấn trong khả năng tỉnh giác và quán xét, cái trước tăng khả năng thì cái sau tăng theo
          - Tâm luôn liên đới không rời đề mục như mẹ với đứa con mới sanh
          - Liên tục, không ngừng nghỉ giống như người cọ hai thanh củi để lấy lửa.
          - Cùng lúc ngay lập tức: Không thể chờ nó xuất hiện và biến mất mà Bạn vẫn chưa biết. Phải luôn luôn cảnh giác, nhiệt tâm, tinh cần. Xem sự sanh tử là nỗi thống khổ nhất của Bạn. Ngoài nó ra không có cái gì quan trọng cả.
          - Không chủ ý thay đổi tính chất đề mục (sao cũng được...!). Non-manipulating!
          Chỗ nào có sự tỉnh giác nhận biết khi ý thức phát sinh thì đó chính là satipatthana, sự nhận biết của sự Sanh Diệt của các pháp. Như vậy Bạn có cần đợi NGỒI rồi mới THIỀN hay không ?
Mỗi tiếng chuông là một đề mục
Mỗi câu kinh là dòng sinh hoá
Mỗi hơi thở là tính động năng
Mỗi chú tâm là thoát tử sanh
Niêm chú, tụng kinh, chùi cầu
Thở theo, Em Biết tiếng đầu, tiếng sau
Tiếng đầu là tiếng tái sinh
Tiếng sau là tiếng Tâm Mình trống không



[1] Kinh Samyutta Pali, Vibhanga sutta.

No comments:

Post a Comment