Thursday, May 25, 2017

LÀM SAO KHI CHẾT CÓ NỤ CƯỜI ? (BÀI 3)

          Chết thông thường được xem là sự chấm dứt các hoạt động của một sinh vật hay ngừng vĩnh viễn mọi hoạt động sống (không thể phục hồi) của một cơ thể. Tuy nhiên, một định nghĩa cho sự chết còn tùy thuộc vào các quan điểm tôn giáo, tín ngưỡng cũng như các lĩnh vực liên hệ. Trong y học, Chết là sự Chấm dứt của moi hoat động sống như hô hấp trao đổi chất sự phân chia các tế bào đều được chấm dứt vĩnh viễn. Môn khoa học nghiên cứu về cái chết đã trở thành ngành riêng gọi là "tử vong học" (tiếng Anh: thanatology; tiếng Hy Lạp: θάνατολογια thnatologia).
Người ta chia chết ra làm hai loại: chết lâm sàng mà các phương pháp khám lâm sàng cho phép xác định là chết (tim ngừng đập, ngừng thở, mất tri giác, vv.); Chết thật, khi các mô không còn hoạt động được nữa và bắt đầu phân hủy. Những ca tử vong phổ biến ở con người là bệnh tim, tiếp theo là đột quỵ  tai biến mạch máu não, và xếp thứ 3 là nhiễm trùng đường hô hấp dưới.
Trong xã hội loài người, bản chất của cái chết và sự nhận thức của con người về cái chết là các mối quan tâm qua hàng thiên niên kỷ của thế giới tôn giáo và triết học. Đều này bao gồm niềm tin vào sự sống lại (liên quan đến tôn giáo Abraham), tái sinh (liên quan đến tôn giáo Dharm), hoặc ý thức rằng vĩnh viễn không còn tồn tại, được gọi là lãng quên theo chủ nghĩa vô thần[1].
          Đức Phật định nghĩa về cái chết một cách rõ ràng:
"Chư Hiền thế nào là chết? Thuộc bất kỳ hữu tình giới nào trong từng mỗi loại hữu tình, sự mệnh một, từ trần, hủy hoại, hoại diệt, tử biệt, mệnh chung, hủy hoại các uẩn, vất bỏ hình hài; chư Hiền, như vậy gọi là chết"
[2].
          Ngài cũng đưa ra định nghĩa về chết lâm sàng, đó là cái chết của một người còn sống mà như đã chết như cái chết của ngài Sànu.
          Vào thời Đức Phật còn tại thế, ngài Sànu sanh ở thành Sàvatthi trong gia  đình một cư sĩ. Khi ngài lên bảy tuổi, mẹ ngài đưa ngài đến ở với các tỳ kheo, hy vọng con mình sẽ được sống hạnh phúc. Rồi Sànu trở thành một vị học hành giỏi, một vị pháp sư, thiền sư với lòng từ bi, được chư Thiên và loài Người ái kính. Sau một thời gian, ngài mất sự sáng suốt, sống sầu khổ và muốn đi lang thang đây đó. Bà mẹ trong tiền kiếp của ngài là một nữ dạ xoa, biết  được như vậy nên báo cho người mẹ hiện kiếp của ngài biết. Người mẹ hiện tại, nghe vậy rất lấy làm sầu khổ. Rồi một hôm Sa-di Sànu cầm y và bát đến thăm bà mẹ rất sớm. Thấy mẹ sầu muộn, ngài hỏi và được bà mẹ nói lý do, ngài nói bài kệ:
Thưa mẹ, người ta khóc,
Khóc vì người đã chết,
Hay có khóc người sống,
Khi sống, không được thấy,
Thưa mẹ, con đang sống,
Và mẹ đang thấy con,
Vậy vì sao, thưa mẹ,
Mẹ lại khóc cho con?
Bà mẹ trả lời, bằng những lời trong kinh: "Ðây là sự chết, này các Tỷ-kheo trong giới luật của bậc Thánh, tức là sự từ bỏ học giới và hoàn tục",và nói bài kệ như sau:
Người ta khóc cho con,
Là khóc cho con chết,
Hay khóc cho con sống,
Nhưng không được thấy mặt.
Ai đã bỏ dục vọng,
Lại trở lui đời này,
Này con, người ta khóc,
Là khóc cho người ấy,
Vì người ấy được xem,
Còn sống cũng như chết,
Này con, được kéo ra,
Khỏi than hầm lửa rực,
Con còn muốn rơi vào,
Ðống than hồng ấy chăng?
          Khi nghe vậy, Sa-di Sànu lấy làm xấu hổ, sầu muộn, và tinh tấn phát triển thiền quán. Không bao lâu ngài chứng quả A-la-hán. Suy nghĩ rằng ngài chiến thắng là nhờ những bài kệ này, nên lấy những bài kệ ấy thành những bài kệ của ngài[3].

4. Sự Nhiếp Phục Tham Dục[4]
          Kiệt Tham Vương là ông vua có nhiều tham dục. Phần trường hàng kể một chuyện tiền thân: hồi ấy Phật là một người trai trẻ tên là Uất Đa (có thể dịch từ Uttara hay Utto) đã có khả năng giảng giải một bài kệ cho vị vua đã từng khổ đau vì nhiều tham dục. Vua hài lòng và ban cho người trẻ tước hiệu là đại đức (bhadanta).
Rồi Phật dạy kinh này như sau:
          1. Tâm còn đeo đuổi ham muốn thì dù có đạt tới cái đối tượng ham muốn rồi, mình vẫn càng ngày càng muốn có thêm nữa, vẫn chưa được hài lòng.
          2. Chạy theo dục lạc trong cuộc đời, là kẻ đang bị vướng vào tham đắm và si mê. Còn mang dục ý trong lòng thì cũng như một người đang bị trúng tên độc.
          3. Nên tránh tham dục như tránh dẫm lên đầu một con rắn độc. Phải thực tập thiền quán mới buông bỏ được những gì mà người đời thường ham muốn.
          4. Vướng vào sự tham cầu châu báu, ruộng đất, hạt giống, trâu bò, tôi tớ và thê thiếp, kẻ ngu si làm tiêu hao cuộc đời và thân thể mình.
          5. Đang khỏe mạnh cường tráng, người chạy theo dục lạc trở nên gầy gò hư hao, lại gây thêm nhiều oán hận. Trong u mê, người ấy phải gánh chịu nhiều đau nhức, giống như kẻ đang đi trên biển mà thuyền bị vỡ.
          6. Vì vậy ta phải biết nhiếp phục tâm ý, xa lìa tham dục, đừng vướng vào chúng, tinh tiến đi tới, một lòng mong cầu đưa chiếc thuyền của mình đi sang tới bờ bên kia.

5. Cận Tử Nghiệp là gì ?
          Tiểu bộ kinh trong Kinh tạng Nikaya giúp chúng ta có một ý niệm rõ rệt về việc tái sinh.
          Thuở xưa, ở thành Vương Xá có một người phú ông cực kỳ giàu có, nhưng chỉ có một người con trai duy nhất. Cậu trai này tính tình dễ mến và hình dung rất tuấn tú, khôi ngô. Cha mẹ cậu hết sức thương yêu, nuông chiều và không muốn cho cầu phải khó nhọc về bất cứ điều gì.
          Vì thế, họ suy nghĩ rằng: “Việc học hành, cho dù là học chữ nghĩa hay nghề nghiệp cũng đều phải bỏ công nhọc nhằn. Muốn học cho đến khi thành tài phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Nhưng chung quy cũng chỉ là để có được một nghề nghiệp sinh sống mà thôi. Nay vợ chồng ta giàu có, vàng bạc của cải không kể xiết, cho dù con ta có ngồi không mà ăn suốt đời cũng không thể hết được, vậy không cần phải cho nó học hành khó nhọc làm gì.”. Và vì thế, mãi cho đến khi cậu con trai đã đến tuổi trưởng thành, họ vẫn chưa cho cậu ta học hành gì cả, chỉ biết suốt ngày ăn chơi hưởng thụ mà thôi!
          Năm cậu mười sáu tuổi, họ cưới cho cậu một cô vợ đẹp. Nhưng thật không may, cô này không phải là người khôn ngoan đức hạnh. Vì thế, đôi vợ chồng trẻ cùng đắm say trong dục lạc, ngày ngày hưởng thụ đủ các trò vui chơi thỏa thích.
          Chẳng bao lâu, cả hai vợ chồng người phú ông lần lượt qua đời. Cậu con trai ấy đã quen với lối sống ăn chơi phung phí, vẫn tiếp tục ném tiền qua cửa sổ với những cuộc vui bất tận cùng những cô vũ nữ, ca nhi, những buổi trà rượu... Vì thế, không đúng như dự đoán của hai vợ chồng phú ông là cậu sẽ “ngồi không mà ăn suốt đời”. Ngược lại, cậu đã làm tiêu tán cả sản nghiệp to lớn của cha mẹ chỉ trong một thời gian rất ngắn!
          Thế là cậu trở nên nghèo khó. Và vì chẳng có nghề nghiệp gì trong tay, nên cậu chỉ còn một cách duy nhất để xoay xở cuộc sống là tìm đến những người quen biết cũ để vay nợ. Nhưng rồi cũng không ai có thể cho cậu vay nợ mãi khi cậu thật sự chẳng làm ra được gì để có thể sinh sống qua ngày, đừng nói là có thể dành dụm được tiền trả nợ. Rồi các chủ nợ dần dần không còn đủ kiên nhẫn để chờ đợi nữa, họ chia nhau những tài sản mà cậu còn giữ được như nhà cửa, ruộng vườn cũng như tất cả những đồ đạc còn lại trong nhà.
          Thế là cậu con trai cưng của vị phú ông giàu có nhất thành Vương Xá giờ đây trở thành một kẻ hành khất không nhà, phải sống lang thang lây lất trong thành phố.
          Rồi một hôm, có một tên trộm chuyên nghiệp gặp cậu trên đường phố. Thấy cậu có sức khỏe và ra vẻ thật thà, chơn chất, tên này nghĩ là có thể lợi dụng được nên bảo cậu: “Này chú em, cuộc sống của chú thật là khốn khổ, đáng thương xót lắm. Ta không có gì để giúp chú, nhưng nếu chú chịu đi theo ta, cùng làm công việc với ta, chú sẽ có thể kiếm được đủ tiền để sống thoải mái.” . Trong bước đường cùng, và vốn là người không từng trải việc đời, cậu không chút nghi ngờ liền đồng ý đi theo tên trộm.
          Đêm hôm đó, bọn trộm tổ chức một vụ trộm lớn. Chúng đưa cho cậu một cây gậy và bố trí cậu đứng canh bên ngoài trong khi chúng lẻn vào nhà một người giàu có để khuân dọn đồ đạc. Chúng dặn cậu: “Nếu có ai từ bên ngoài muốn vào nhà, hãy chặn lại và đánh chết đi.” Đã ở vào hoàn cảnh không còn thối lui được nữa, cậu đành nhận lấy cây gậy và đứng đó chờ trong khi cả bọn lẻn vào nhà và thực hiện việc lấy trộm.
          Thật không may là có người trong nhà thức giấc và phát giác ra bọn trộm. Thế là họ đốt đèn đuốc lên và cùng nhau đuổi đánh. Vốn đã quen thuộc trong nghề, bọn trộm nhanh chóng biến mất theo nhiều ngả, trong khi cậu trai khờ khạo kia vẫn còn cầm cây gậy đứng đó để... chặn đường. Thế là cậu bị đám người nhà kia đánh cho một trận và bắt giải lên nhà vua với lời cáo buộc là cậu đã bị bắt quả tang trong lúc vào trộm nhà họ, có mang theo vũ khí là một cây gậy lớn.
          Sự việc rõ ràng, vua ra lệnh xử tên trộm này tội chết. Thế là cậu bị đưa đi giam vào ngục, rồi sau đó đưa đến nơi hành hình. Quân lính dùng roi quất vào người cậu trên đường đi, trong khi có một tốp người mang trống đi theo, vừa đánh trống để gợi sự chú ý của mọi người, vừa rao lớn: “Đây là tên trộm có vũ khí bị bắt quả tang. Đức vua đã xử tội chết để răn đe những tên trộm khác.”
          Bấy giờ có người kỹ nữ đẹp nhất trong thành tên là Sulas, nghe tiếng trống và tiếng đám đông ồn ào huyên náo ngoài đường phố nên ghé ra bên cửa sổ để xem. Chợt nàng nhận ra cậu con trai của phú ông giàu có trước đây, bởi lúc trước khi còn giàu có ăn chơi phung phí, hầu như ngày nào cậu cũng cho nàng rất nhiều tiền và cả hai đã từng có nhiều cuộc vui đáng nhớ. Người kỹ nữ chợt động lòng nhớ lại tình xưa, lấy làm thương xót cho chàng trai xấu số, liền nhờ người gửi đến cho tử tội một bữa ăn ngon và nước uống. Nàng lại mang tiền đến cho bọn lính canh và cầu xin chúng hãy để cho tử tội được thong thả dùng xong bữa ăn cuối cùng trước khi bị hành hình.
          Cùng lúc ấy, ngài Mục-kiền-liên, một vị đại đệ tử của đức Phật cũng đang ở trong thành Vương Xá. Ngài dùng thiên nhãn quán sát thấy tình cảnh nguy khốn của người tử tù sắp chết, cũng như hiểu thấu được câu chuyện của người này. Động lòng từ bi thương xót, ngài liền suy nghĩ: “Người này xưa nay tuy chưa tạo các ác nghiệp, nhưng cũng chưa hề làm được việc thiện nào. Vì thế, anh ta không thể tái sinh về những cảnh giới tốt đẹp. Nay ta nên tạo điều kiện giúp cho anh ta khởi nên một niệm lành, làm được một điều lành trước khi chết. Như vậy, anh ta sẽ có thể tái sinh về thiên giới.”
          Nghĩ vậy rồi, ngài Mục-kiền-liên liền hiện ra phía trước tội nhân ngay vào lúc người ta mang thức ăn đến cho chàng và nói cho chàng biết đó là của nàng Sulas gửi tặng. Khi ấy, chàng trai nhìn thấy một vị tu sĩ hình dáng uy nghiêm khả kính hiện ra từ xa, bỗng thấy trong lòng phát sinh một niềm vui kính nhẹ nhàng khó tả. Chàng liền suy nghĩ: “Ta đã sắp chết rồi, bữa ăn này liệu có ích gì? Chi bằng ta nên cúng dường cho vị tu sĩ kia để may ra có được chút phước lành.”
          Nghĩ sao làm vậy, cậu liền nhờ những người lính canh mang thức ăn và nước uống đến cúng dường cho vị tu sĩ đó. Ngài Mục-kiền-liên nhận biết rằng sự đau khổ của chàng trai nhờ khởi tâm cúng dường nên đã trở thành hoan hỷ, ngài liền ngồi xuống thọ nhận bữa ăn và hồi hướng chú nguyện cho chàng rồi ra đi.
          Chàng trai sau đó bị hành hình. Trước khi chết, nhờ tâm thành tín đối với Trưởng lão Mục-kiền-liên cũng như việc cúng dường bữa ăn cho một bậc A-la-hán, nên chàng có đủ phước đức để tái sinh lên thiên giới. Tuy nhiên, cũng ngay trước khi chết, tâm hồn chàng xúc động khi nghĩ đến nàng Sulas và mối chân tình của nàng đối với chàng khi sắp chết, một niềm luyến ái sinh khởi mạnh mẽ, và do sự trói buộc này nên chàng không thể tái sinh về thiên giới. Thay vào đó, chàng tái sinh làm một vị thần cây trong khu rừng bên ngoài thành Vương Xá và vẫn ôm ấp ý tưởng sẽ được gặp lại nàng Sulas...
          Câu chuyện trên cho ta thấy tác động quan trọng của tâm niệm con người ngay trước khi chết, bởi vì cái điều này có thể góp phần quyết định vào việc tâm thức sẽ tái sinh vào cảnh giới nào ngay trong đời sống tiếp theo đó. Thuật ngữ Phật giáo gọi đây là “cận tử nghiệp”, Cái tâm ấy do đâu mà có ? có phải do hành động Thân Khẩu Ý hằng ngày hay không các bạn ? Cái Tâm ấy là Tâm Quá Khứ hay Tâm Hiện Tại ? Nếu cái tâm ấy đuợc huân tập hằng ngày luôn luôn thanh tịnh thì NGHIỆP cũng chẳng thể còn tác động, hà huống chi là Cận tử nghiệp.? 




[1] Handbook to the After life retrieved ngày 12 tháng 4 năm 2012
[2] Kinh Trung Bộ, Phẩm Chánh Tri Kiến
[3] Kinh Tiểu Bộ, Trưởng lão Tăng kệ - Phẩm năm
[4] Nghĩa Túc Kinh, kinh thứ nhất, Đại Tạng Tân Tu 198, tương đương với Kàma Sutta, Sutta-Nipàta 766-771. Kinh này tên là Kinh Kiệt Tham Vương.

No comments:

Post a Comment