Wednesday, June 7, 2017

NGŨ UẨN PHÁP THÂN trong KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA

NGŨ UẨN PHÁP THÂN
KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA
SƯ MINH TÂM
Giảng ngày 16/11/2011 (Úc Châu )
Đánh máy: Trí Bảo ( Việt Nam )

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Đức Thế Tôn đã dạy có ba cái thứ nó làm trở ngại cho Tâm an lạc, thứ nhất là ngã chấp, thứ nhì là pháp chấp và thứ ba là kiến chấp. Nếu mình thấy rất rõ ba cái ấy thì Pháp Thân không lầm nữa thì coi như mình được an lạc. Sống giữa chợ đời, giống như Hoa Sen giữa vũng sình lầy nhưng vẫn chuyển hóa cái vô minh cái khó khăn của người tu học. Người tu học phải hành xử cao hơn, khác hơn những người không tu học Phật, mới xứng đáng là những người tu học Phật. Người bình thường, người ta chấp nhất, người ta không tha thứ, mà người học Phật thì phải tha thứ. Người bình thường là anh chàng cùng tử khi được giao cho cái nhiệm vụ đầu tiên là phải đi hốt phân, là dẹp bỏ tất cả tâm tư ti tiện của hành giả, để trở thành một người cao thượng, đó mới chính là người con Phật.

Kính thưa Chư Vị, không biết trong Đạo Tràng nầy có bao nhiêu Vị đã làm cái nghề hốt phân rồi? Có ai hốt hết phân ti tiện của mình chưa? Chúng tôi nhiều lúc hốt cũng chưa hết, có lúc cũng tưởng là hết rồi, nhưng mà nó giống như đốm lửa tàn trong đống tro, mình tưởng là tro, ai dè khều khều trong đó thấy lửa còn nhiều quá, lửa tham, lửa sân, lửa si .

Ở trong bài Kinh Lửa Cháy, Đức Thế Tôn nói với Các Vị thờ Thần lửa thời đó, tóm tắt như thế nầy: Có ba thứ lửa là lửa tham, sân, si mà khi quán chiếu rất rõ rồi, thì thấy rõ Thực Tướng các pháp thì thoát ra khỏi sanh tử luân hồi, nghe được bài ấy thì cả ngàn Vị Đạo Sĩ đều chứng đắc A La Hán! Đó là cái gì? Cái lửa tham sân si nó ở đâu? Ngay nơi Tâm người hành giả chớ không ở đâu xa cả. Chúng ta học cả năm nay chúng ta biết Tức Tâm tức Phật, trong Tâm có Phật, giờ lại nói Tâm đầy dẫy tham sân si, thế thì lạ quá vậy? Rồi nói rằng ngũ uẩn, sáu căn đưa chúng sanh vào sanh tử luân hồi.

Tai nghe mắt thấy mũi ngửi, tiếp xúc với thinh hương vi xúc mở cửa địa ngục, chiêu cảm địa ngục và đi vào trong ấy, cho nên cứ tiếp tục sanh tử mãi không bao giờ ra khỏi là ở chỗ nầy đây. Tại vì khi mắt thấy, niệm khởi, Tâm ưa hay là ghét là có phân biệt, lập tức rớt vào Mạt na thức và A Lại Da Thức. Quí Vị nói tu cho có phước. À, thì cái phước nó hộ trì chúng ta , kiếp sau đầu thai thì nó khá hơn một tí. Nhưng nói rằng bằng những phương pháp ấy để thoát ra sanh tử luân hồi thì còn lâu lắm, còn khuya. Đức Thế Tôn đã chỉ dạy rất rõ.

 Ở trong Kinh Tương Ưng Bộ có một bài pháp: Có Pháp Môn Nào? Đức Thế Tôn đã dạy rất rõ: Ngài A Nan tới hỏi: Người chết đi về đâu? Đức Thế Tôn nói: không phải do kiến thức hay tiền bạc hay những gì đánh giá được bạn, điều chính là cách hành xử của bạn, hành xử tức là tạo nên nghiệp, tại vì thân khẩu ý nó có hành, lập tức nó rớt vào cái nghiệp, cứ thế mà sanh tử luân hồi. Quí Vị còn nhớ Ngài Vô Não không? Tại sao Ngài Vô Não rượt theo Đức Thế Tôn? Đức Thế Tôn nói: Ta đã dừng từ lâu mà sao ngươi không chịu dừng. Có phải dừng hành động không? Không! Dừng đây là dừng bặt tất cả tư tưởng vọng thức, một niệm không sanh. Mà ở nơi một niệm không sanh thì Trí Tuệ phát sanh, Kinh Bát Nhã nói rất rõ. Chư Phật ở nơi ấy sanh ra, trưởng dưỡng và thành tựu, dứt khoát khẳng định rõ ràng, cho nên hãy còn vọng niệm điên đảo thì còn sanh tử luân hồi. Có thế thôi, dứt khoát rõ ràng. Cho tới ngày hôm nay Quí Vị biết rồi chứ gì? Thế thì bằng việc ấy thì có lợi hay là có hại? Nó không hại không lợi, Tự Tánh nó vốn là thanh tịnh. Bản chất nó không dính mắc gì tới mình hết, nhưng tại sao mình trôi lăn trong luân hồi, đó là do mình cảm thọ, mình chấp có ngã có ta, rồi có nó, cho nên có sự phân biệt và dính mắc, cái chỗ đó là kẹt.

Ở trong Đại Trí Độ Luận, cuộc đối thoại giữa Ngài Phạm Chí Trường Chảo và Đức Thế Tôn, Đức Thế Tôn đã nói với Phạm Chí Trường Chảo rất rõ: ngay cả kiến chấp nói rằng ta đã buông cảm thọ và kiến chấp rằng ta đã buông cảm thọ, ngay cả kiến chấp ấy cũng phải buông. Chính cái kiến chấp ấy là một trong ba cái trở ngại trên con đường tu hành. Trong Đạo Tràng nầy cũng có nhiều Vị tu học tinh tấn nói: Bây giờ con không còn cái ngã nữa, ai có mắng chửi con, con cũng không khởi Tâm phiền não, tại vì con biết đó là đồ huyễn đồ giả. Người ta mắng chửi mình thì mình bỏ qua được tại vì mình tu học mình bỏ được cái ngã, nhưng nếu người ta nói Đạo Phật là cái Đạo không ra gì thì lập tức mình phản ứng liền, tức là mình chấp pháp. Thánh chiến giữa tôn giáo nầy với tôn giáo kia làm biết bao nhiêu người phải mất mạng cũng chỉ vì chấp cứng ngắc. Đạo Hồi giáo là Đạo chấp số một. Đấy , Đạo Thiên Chúa cũng chấp số một nên lúc nào cũng tranh chấp để bảo vệ đạo của mình.

Đạo Phật không có thế, lịch sử Phật Giáo chưa hề có đổ máu để bảo vệ cho tôn giáo của mình, chưa hề có chuyện đi giết người nầy người kia để bảo vệ cho giáo lý đạo Phật, chưa hề có. Nó khác biệt với những tôn giáo khác là ở chỗ đó. Tại sao? Tại vì Đạo Phật lấy từ bi là chính. Lúc nào cũng vậy, hành giả quán chiếu, hễ một niệm khởi sanh, liền quán chiếu niệm đó là giả, âm thanh là giả. Âm thanh nó đi qua lỗ tai, nhĩ căn nhĩ trần rơi vào nhĩ thức, huân tập lâu ngày thì sanh tử luân hồi. Đấy Quí Vị học trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm biết rồi, 12 loài chúng sanh và 25 Vị chứng đắc A La Hán đều chỗ nầy mà ra. Bởi thế cho nên trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Thế Tôn dạy rõ: Từ nơi sáu căn người ta sanh tử luân hồi, và cũng nơi sáu căn chư Phật sanh ra trưởng dưỡng và thành tựu. Tùy cái niệm Quí Vị chọn thôi, không ai chọn cho Quí Vị được, phải không Quí Vị? Rõ ràng.

Thế thì tại sao trong Kinh Pháp Hoa có Phẩm nói anh chàng cùng tử đầu tiên giao cho công việc hốt phân? Hôm trước chúng tôi có nói với Quí Vị, hốt phân là hốt dẹp những cái Tâm ti tiện của mình, cái Tâm nói con là hèn mọn, con là nghiệp chướng, con là thế nầy thế kia cho nên không bao giờ thành Phật được.

Trước khi Đức Thế Tôn giảng Kinh Pháp Hoa, Ngài đã nhập Chánh Định, từ nơi Chánh Định Ngài phát ra một luồng hào quang từ lông trắng giữa chặng lông mày, dưới soi địa ngục và trên soi đến cõi Trời Sắc Cứu Cánh. Chúng tôi đã trình bày với Quí Vị rồi, hào quang đó là Trí Tuệ, lông tượng trưng cho sự mềm mỏng nhu nhuyến, Tâm không có cứng ngắt chấp phải chấp trái. Đạo Phật là Truing Đạo, chấp phải chấp trái đều là giả tạo. Trắng là thanh tịnh. Trí Tuệ từ nơi mềm mỏng thanh tịnh, Trí Tuệ nằm giữa hai con mắt tức là không chấp phải chấp trái tức là không chấp trước. Cái Trí Tuệ có thể soi thấy Tâm chúng sanh tức là soi thấy Tâm mình nè, nằm ngay trong Tâm, địa ngục ở trong Tâm mà Niết bàn cũng ở trong Tâm.

Thế thì thông qua cái gì mà 25 Vị chứng đắc A La Hán? Ở trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm đã giải thích: Cũng từ nơi lục căn lục trần lục thức và thất đại. Ba lần sáu =18 và thất đại 7 nữa là 25. Quí Vị đọc kỹ lại đi Quí Vị sẽ thấy: ba lần sáu là 18 cộng bảy là 25. Thế thì lục căn lục trần lục thức là cửa sổ để phát hiện, cũng là cửa sổ để nhập niết bàn. Cho nên khi Quí Vị quán chiếu rất rõ và không vướng mắc cảm thọ, nghe mà như gió thoảng, không chấp nữa, con mắt nhìn mà không chướng, thấy chuyện đời nó như thế là như thế. Gió mưa, đàn bà, con chó con mèo, chuyện đó bình thường, không có cái gì để mà bận tâm, mà không có chuyện gì bận Tâm thì ngay đó thấy được, còn nếu có ngã chấp thì có đúng có sai. Đạo Phật là Trung Đạo, thế chỗ nào đúng chỗ nào sai Quí Vị nói đi?

Người mới tu thì thấy núi là núi, sông là sông. Tu một thời gian khá khá rồi, thì thấy núi không phải là núi, sông không phải là sông. Tại vì các pháp đều như huyễn, nhưng tu sâu thật là sâu hơn nữa thì thấy núi vẫn là núi, sông vẫn là sông. Thế thì cái thấy lần thư nhất với cái thấy lần thứ ba giống hay khác nhau Quí Vị? Khác nhau, thấy lần thứ ba là thấy Thực Tướng của các pháp. Lúc chưa tu thấy cô gái đẹp khởi Tâm sai đắm, đó là mở cửa địa ngục nhốt người hành giả vào trong địa ngục mà không thoát ra được, nhốt vào đâu, nhốt vào sắc thanh hương vị xúc, tức là ngũ uẩn.  Mà hễ bắt đầu tu khá khá một chút rồi hay nếu tu lâu hơn nữa thì cô con gái vẫn là cô con gái, nhưng biết cái đẹp ấy là duyên sanh. Tại vì kiếp trước có tu nên kiếp nầy cổ mới đẹp. Thế thôi.

Có bà già nghèo giữa chợ, Ngài Ca Diếp nói tại kiếp trước bà không biết bố thí. Cho nên những cái gì mà chúng ta không th ành tựu trong kiếp nầy, chẳng qua kiếp trước chúng ta chưa có tu, chúng ta không làm đúng nên kiếp nầy chúng ta lận đận.

Quí Vị hiểu không? Thí dụ như Quí Vị nghèo, than: sao con làm hoài cứ nghèo hoài. Tại kiếp trước không có tu, không biết bố thí, như thế thôi, có nhân có quả đấy. Thế thì hành giả thấy rất rõ ngũ uẩn, thì không sợ hãi, ngũ uẩn chính là phương tiện thù thắng để mình đạt tới cảnh giới giải thoát của mình. Không có ngũ uẩn, đố Quí Vị tìm ra được chân lý, nhưng nếu Quí Vị chứng đắc vào ngũ uẩn cảm thọ, thì rớt vào Kinh Phạm Võng.

Trong Kinh Phạm Võng Đức Phật nói: 62 Vị Đại Biện Luận đại tài đều chấp vào các cái Luận Thuyết của các Ông ấy đều đúng, mà hễ chấp đúng, là có cái cảm thọ, có cảm thọ là có ngã, ngã sở. Cứ như thế là Thập nhị nhân duyên nó xoay, sanh tử luân hồi là lẽ tất nhiên.

Có một buổi Ông Tô Đông Pha Ổng tới chùa của Ngài Phật Ấn, Ngài Phật Ấn không có mặt, Ổng mới để lại mấy câu thơ ý nói như là bây giờ Bát phong thổi chẳng động, có chuyện gì cũng không xoay chuyển được cái Pháp Thân Thường Trụ, giống như Đức Phật ngồi ở tòa Kim Liên, có gió gì, dù bát phong cũng không lay động hành giả. Thế Quí Vị biết chuyện gì xảy ra không? Ổng nói cho dữ, tới chừng Ngài Phật Ấn về, gởi lại cho Ổng mấy chữ: đánh rấm thúi lắm. Có hai chữ thôi mà Ổng lập tức sai đệ tử chèo ghe cho Ổng sang sông gặp Ngài Phật Ấn: Hà cớ gì mà tôi viết hay như vậy mà Ông nói là đánh rấm? Ngài Phật Ấn mới nói như thế nầy: Ông nói bát phong thổi thì Ông cũng không nhúc nhích, mà đánh rấm thì Ông nổi sân ngay!

Thế thì ai nói cũng hay lắm nhưng tới hành mới biết nó ra làm sao. Người ta mắng chửi coi Tâm mình có động hay không? Người ta đánh coi cái Tâm mình có động hay không? Chúng ta hãy học gương của Ngài Phú Lâu Na. Đức Thế Tôn giao cho đi truyền pháp, Ngài Phú Lâu Na đi đến xứ người ta ghét Đạo Phật, thế thì Đức Thế Tôn mới hỏi: Nếu Ông đến đó người ta mắng chửi Ông thì sao? Ngài đáp: Người ta mắng chửi thì con cám ơn, vì họ chưa giết con. Rồi Đức Thế Tôn hỏi: Nếu người ta giết Ông thì sao? Ngài đáp: Giết thì con cũng cám ơn vì người ta giải thoát cho con ra khỏi kiếp sống đau khổ nơi chốn trần gian. Tuyệt vời không thưa Quí Vị? Người tu hành thì phải như thế, thấy cái thân nầy không thiệt, chỉ là cái toilet biết đi thôi, giống cái thùng phân biết đi thôi, chớ nó không phải là cái gì hết, cho nên đừng có chấp vào nó, thì như vậy mới thành tựu.

 Thế thì ngũ uẩn nằm ở đâu trong cái Hoa Sen? Ngũ uẩn nằm đâu đố Quí Vị đó. Ở trong Kinh Pháp Hoa, cái Ngũ uẩn nó nằm ở chỗ nào? Chính là cái ống sen, thân sen nó rỗng, tôi thấy người ta lấy cái ống sen đó làm gỏi, chẻ nhỏ nhỏ ra làm, đúng rồi gọi là cọng sen, tên gì đó tên, nhưng đại khái nó rỗng rang. Tức là sao? Tức là  Tâm hành giả tu tập lúc nào cũng phải rỗng rang, không có chứa đựng gì hết, ai nói gì thì nói, mình không nghe, nhưng không nghe người ta buồn, nhưng vẫn nghe mà mình không để trong lòng, không để qua lỗ tai nữa. Tại nó rỗng rang nước chảy qua được, đúng vậy. Nó không chứa đựng một cái gì, giống như cánh chim bay ngang khỏi bầu trời, mà bóng không lưu lại. Bóng có lưu lại không? Không. Đấy, diệu dụng của ngó sen, cọng sen là như thế, người hành giả là phải như thế.

Thế thì ngũ uẩn chính là Pháp Thân Thường Trụ, tại vì không có cái ngũ uẩn thì không làm sao thấy được Pháp Thân thường trụ, chính nó cũng là Pháp Thân Thường Trụ. Cái sình lầy ở trong Hoa Sen mà Quí Vị thấy đó là bùn đen và mùi rất là hôi, nhưng nhìn kỹ lại thì Hoa Sen cái đài gương của nó rất là đẹp, hương rất là thơm, từ đâu có cái hương thơm ấy? Cũng từ nơi cái sình lầy. Nếu quán chiếu được như vậy thì nơi cái giận hờn tham sân si hỉ nộ, chính là Pháp Thân thường trụ.

 Ở trong Đại Trí Độ Luận, Ngài Long Thọ đã nói rất rõ cho chúng ta thấy: Ngài Pháp Sư Hỉ Căn và Ngài Pháp Sư Nhĩ Căn. Ngài Pháp Sư Nhĩ Căn thì nói rằng: lúc nào tham dâm nộ si các đệ tử đừng bao giờ dính mắc tới nó, thấy nó là chạy. Đấy, thấy nó thì chạy đi. Ngài Pháp Sư Hỉ Căn thì nói: Cái đồ đó là đồ dõm, nói rằng duyên sanh thì phải có duyên chớ, tự nhiên mình sanh ra mình à, được không? Nó phải có cái duyên, là con mắt phải thấy, lỗ tai phải nghe, lỗ mũi phải ngửi, nó mới sanh nộ, chớ không phải tự nhiên mà giận.

Thế nên Đức Thế Tôn ngài dạy: Vạn pháp do duyên sanh, vạn pháp do duyên diệt, tức là duyên sanh thì như huyễn, nó không có thật. Cái mùi thúi á, mình nghĩ nó là thúi, tại vì mình chấp đó là mùi thúi, mình khởi tâm phiền não vì cái thúi, thúi đưa vào cái thức. Tất cả những gì ghi nhận đều đưa vào cái thức. Cho nên gặp mùi thơm thì ưa thích mà mùi thúi thì ghét.

Bây giờ trong Đạo Tràng nầy có ai ăn sầu riêng không? Ai ăn thì gặp cái mùi thúi đó, hồi đó chúng tôi còn nhỏ, thấy người ta ăn sầu riêng cũng thích lắm, nhưng mà không có tiền mua, gặp một ông sư cụ, sư cụ mới nói: Con ơi mấy con muốn ăn sầu riêng mà không có tiền, Sư chỉ cho: Con đi mua mít ướt rẻ tiền lắm, rồi đi vô cầu tiêu, con ăn thì nó vừa có mùi, vừa béo béo. Hồi đó chúng tôi còn nhỏ đâu có biết, cụ nói thì cũng làm thôi, chung vô toilet ăn mít ướt. Quí Vị biết cái toilet ở Việt Nam, đâu phải như toilet ở nước ngoài mà có nắp đậy sạch sẽ đâu, đi xa xa là đã thấy mùi rồi, giờ cầm mít ướt vô cầu tiêu là thấy mùi, rồi ăn mít ướt nó béo béo nữa là giống như sầu riêng, có khác gì đâu .

Thế thì thực chất của vấn đề là gì đây thưa Chư Vị? Thực chất của vấn đề là ngũ uẩn đánh lừa chúng ta. Sanh tử luân hồi cũng từ nơi ngũ uẩn, sanh tử luân hồi cũng từ nơi sáu căn, mà thành tựu Phật Quả cũng từ nơi sáu căn. Ở trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm Đức Phật dạy rất rõ: Cũng từ nơi sáu căn mà chúng sanh trôi nổi trong sáu đường. Con mắt nhìn thấy là khởi Tâm ưa thích, ưa thích thì rớt vào trong cái thức. Trong Đạo Tràng nầy đừng nói là con nhìn mà con không có ưa, thấy gái đẹp coi ưa không cho biết, chắc chắn là ưa phải không? Và nhìn cái gì trước? Hỏi là Quí Vị tự nghĩ rồi. Thế thì cái đó có lỗi không? Có. Thế thì nhìn chỗ nào cũng có lỗi cả. Thế thì nó rớt trong A Lại Da Thức, nó làm cho A Lạ da Thức huân tập. Khi chết thì thân trung ấm nó theo cái đà đó nó đi thôi. Sân thì đi đâu? Sân thì đi xuống địa ngục, hễ nổi sân thường xuyên thì đi xuống địa ngục. Không có chạy đi đâu được hết.

Ở vào thời Đức Thế Tôn có một Ông Sư thích người ta cúng dường Ổng lắm, người ta xưng tán Ổng thích lắm, có một người cúng cho Ổng một áo cà sa thật là đẹp, Ổng chưa mặc được rồi Ổng chết. Theo thông lệ, Đức Phật dạy nếu có một Vị Tăng chết thì tài sản chia ra, đúng luật thì trong Tăng chúng cứ việc chia, nhưng trường hợp nầy thì Đức Thế Tôn cản không cho chia. Các Vị Tăng xin Đức Thế Tôn từ bi chỉ cho tại sao? Tại sao không cho chia cái áo cà sa đó ra. Đức Thế Tôn mới nói: Tại vì Ông nầy rất ưa cái áo cà sa đó nên đầu thai làm con rận chạy lung tung ở trong cái áo cà sa ấy, thấy mấy ông Tăng nầy muốn cắt áo cà sa để chia cho nên nó lăng quăng, quýnh lên, sắp sửa nổi sân, nếu mấy ông cắt áo cà sa nó sẽ nổi sân rơi xuống địa ngục. Tại vì sân là đi xuống địa ngục thôi. Cho nên Đức Phật khuyên các Ông không nên cắt cái áo cà sa ra. Phải trong 7 ngày, 7 ngày sau thì con rận nó chết. Đức Phật mới cho Tăng chúng cắt cái áo cà sa ra.

Thế thì Quí Vị đã hiểu tại sao có con số 7 chớ ? Tại sao người ta nói 7 ngày cúng một lần. Rồi 49 ngày cúng là 7 thất. Quí Vị hiểu chưa, nó có nguyên do hết chứ không phải tự nhiên mà bày đặt ra đâu. Nhiều Vị hỏi chúng tôi, Chư Tăng bày đặt ra 7 ngày. Không có như vậy đâu. Kinh sách Đức Phật dạy đàng hoàng: cái Ông Sư đó đầu thai làm con rận, 7 ngày sau thì Ổng chết, 7 ngày sau thì mới cắt áo cà sa ra. Ở trong Kinh Pháp Cú đó, Quí Vị vào coi đi rồi sẽ biết. Thế thì nó có cái nguyên do như vậy. Cho nên người tu hành mà muốn liễu đoạn sanh tử thì phải nhìn rõ Thực Tướng của các pháp. Đừng có trốn , đừng có chạy nó, đó chính là bệnh, địa ngục cũng bệnh, mà niết bàn cũng bệnh. Khởi lên một niệm thì thấy địa ngục, buông một niệm thì thấy Niết bàn.

Ở trong Kinh Tương Ưng Bộ: Có Pháp Môn Nào, Đức Phật đã nói: Không có cái pháp nào thù thắng bằng cái pháp nầy, bố thí trì giới rồi cúng dường v.v…làm đủ mọi thứ chuyện thì cũng chỉ làm cho người hành giả kiếp sau trở lại đây khá hơn một chút thôi, khá hơn vì tạo phước thì được hưởng phước, nhân quả thôi. Nhưng nếu hành giả muốn thoát ra sanh tử luân hồi mà chỉ phước không thôi, không quán chiếu cái Tâm của mình, không nhận rõ Tâm sanh diệt của mình thì thua! Còn lâu lắm, không ra khỏi luân hồi nỗi đâu. Đức Thế Tôn dạy rất rõ trong bài Kinh Có Pháp Môn Nào.

 Đức Thế Tôn nói: Khi căn va chạm với trần thì luôn luôn hành giả khởi lên niệm, thì hành giả phải quán chiếu coi đó là niệm tham, niệm sân, niệm si, biết rất rõ hình tướng của nó như thế nào? Từ đâu nó sanh và khi nó diệt biết rất rõ nó đang diệt. Và chỉ bằng cái pháp môn đó, Đức Thế Tôn nói chỉ bằng cái pháp môn đó là thù thắng nhất và chỉ bằng pháp môn đó người hành giả tuyệt vời vượt qua sông mê ra khỏi sanh tử luân hồi. Tại vì ở vào cái pháp môn đó, nếu quán chiếu thường xuyên nó rớt vào trạng thái gọi là rỗng rang, ngay cái ngũ uẩn nó biến thành rỗng rang, mà rỗng rang là cái ruột của cây sen, nó rỗng không à, nó không có cái gì trong cái ngó sen, cọng sen, phải không Quí Vị? Tâm hành giả cũng giống như ngó sen, không chất chứa một cái gì hết, ai nói gì cũng thấy đúng, thì nó không đưa vào cái thức. Nếu con mắt không duyên theo cảnh trần, làm sao đưa vào nhãn thức, thì nhãn thức vắng bặt, ngay chỗ vắng bặt ấy là khinh an và Đức Phật rước về cõi Cực Lạc.  

Kinh Niết Bàn thì: Một niệm không sanh thì Trí Tuệ phát sanh. Trong Kinh Kim Cang thì: Ưng vô sở trụ. Kinh nào cũng nói có bao nhiêu đó thôi, nói bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, tùy theo căn cơ chúng sanh mà nói, nhưng nói chung chỉ có một việc: làm ơn ngưng giùm đi… Có một lần chúng tôi đi thăm Hòa Thượng Huyền Tôn chúng tôi thấy trên bảng có ghi: không theo. Chúng tôi tâm đắc lắm, để chúng tôi đọc hai câu thơ của Hòa Thượng Huyền Tôn cho Quí Vị nghe: Chuông buông mà người không buông. Địa ngục ơi có buồn hay không? Ấy đơn giản vậy thôi mà chúng tôi nhớ hoài, tại vì nó đưa vào cái chỗ mình phải nhớ để mình thực hành. Tức là sao? Tức là Chân Lý.

 Đức Phật dạy, có Vị Bà la Môn tới hỏi Đức Phật: Buông tay trái hay buông tay phải? Đức Phật nói: Buông đi. Quí Vị hiểu không nào? Buông thân khẩu ý, thân còn chấp, khẩu còn chấp thì khổ thôi, tại vì mình còn tạo nghiệp.

Thế thì nói tóm tắt, ngũ uẩn là rỗng rang, nó như hoa đốm trong hư không, không có thật đâu. Con mắt nhìn một chỗ, nhìn lâu nó mỏi thì thấy hoa đốm, hoa đốm từ chân không mà ra, không phải từ mắt mà ra, vì nếu từ mắt mà ra thì khi hết nó phải trở về con mắt, cho nên nó giống như ảo thuật, giống như nhà huyễn sư và huyễn sự, các thứ không có thực.

Người tu phải biết vạn pháp như mộng huyễn bào ảnh, để chi? Để ngưng không chất chứa trong A Lại Da Thức nữa thì thong dong tự tại, thỏng tay vào chợ, khi chết đi thảnh thơi, khi sống muốn ăn gì thì ăn, không có ăn ngon, ăn dở, ai mắng chửi cũng không sao, cứ cười hề hề thôi. Tâm rất là hoan hỉ, không buồn phiền. Chứ còn nếu mình nói: tu nhẫn đây, Phật dạy con phải tu nhẫn, thế lúc người ta chửi thì sao ? Nói: tui tu Phật, Phật dạy tôi phải nhẫn nên tui nhẫn đấy, đó là ức chế tâm, mà ức chế Tâm thì còn rớt vào trong A Lại Da Thức, mà rớt vào A Lại Da Thức thì sanh tử luân hồi, không bao giờ ra khỏi. Dù ngồi thiền đi nữa nó cũng không ra khỏi, không có cách gì để đè nó. Cho nên Quí Vị phải tập cho mình quán chiếu các pháp đều như huyễn để sống như là cái ngó sen, rỗng rang không phân biệt, không dính mắc một cái gì hết, không chứa một cái gì hết. Cái lỗ tai cũng không chứa, con mắt cũng không chứa một cái gì hết, lỗ mũi cũng không chứa, mùi thơm mùi thúi giống như nhau.

 Trong Tâm Kinh Bát Nhã Quí Vị còn nhớ không? Bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm . Nói vậy chứ ai ném cục phân vô mình thì nổi sân lên muốn đánh người ta liền phải không Quí Vị? Phải không Quí Vị? Giục cái gì hổng giục đi giục cục phân. Con mình mình đánh để dạy nó là Tâm từ, còn bể đồ bể đạt mình đánh con mình là sân, mà hễ sân thì sao ? Sân thì đi xuống địa ngục. Không chạy đâu khỏi, Đức Thế Tôn dạy rất rõ. Tại sao sân đi xuống địa ngục? Nói về vật lý nghe. Khi con người có chất kích thích tố, gọi là adrenaline nó tiết vào trong máu, chạy thẳng lên tim lên não, chạy lên tim nó làm trái tim đập thình thình, nó làm cho cái não hoang mang, vọng tưởng quay cuồng lên, cho nên người nổi sân dễ giết người, tại cái não bị kích thích tố adrenaline nên không kềm chế được và trái tim đập thình thình, sẳn sàng nói, sẳn sàng giết người. Ấy, nó do cái hóa chất. Nói về vật lý rõ ràng như thế để cho Quí Vị biết. Còn nói vì sao sân đưa xuống địa ngục, là tại vì ở trong Kinh Đức Thế Tôn dạy rất rõ: có bốn việc nhỏ không nên coi thường, trong đó có: một đốm lửa nhỏ, ý nói một đốm lửa sân đốt cả rừng công đức. Cho nên tu 50 năm mà sân lên là coi như đi hết, không còn gì cả. Tại vì tu để làm gì? Tu để thấy các pháp đều là huyễn, Tâm không chấp nữa mà không chấp nữa thì được an lạc, tự tại, đằng nầy chấp có ngã, có ngã sở, có nhân, có âm thanh, có sắc tướng, cho nên mới đau khổ. Còn nếu thấy nó không thật thì đâu có gì phải không Quí Vị? Cho nên cuối cùng ngũ uẩn thật sự ra chính là không có thật, tại vì cái ngũ uẩn nó rỗng rang không có thật. Pháp Thân Thường Trụ rỗng rang, nó là chân không bao trùm hết tất cả các pháp giới.

Quí Vị ra bầu trời nhìn lên bầu trời, từ đông sang tây, từ nam sang bắc, con mắt của mình nó nhìn rộng lớn như thế phải không? Rồi Quí Vị vào phòng Quí Vị kiếm một cây kim, Quí Vị thấy cái lỗ kim không? Thấy chớ. Bây giờ nghe câu hỏi nè: Cái Tánh thấy, cái biết của con mắt, nó có thay đổi không? Nó đang nhìn bầu trời bao la, rồi nó nhìn qua cái lỗ kim nó cũng thấy, tức là nó từ lớn tới nhỏ à? Nếu Quí Vị nói nó thấy từ lớn tới nhỏ là chết à, chết rồi đó. Pháp thân không hề thay đổi, Pháp Thân Thường Trụ không hề thay đổi, nó là chơn không rỗng rang mà. Cũng như cái cọng sen, tượng trưng cho cái Tâm của hành giả, khi nó rỗng rang rồi thì nó thấy được Thực Tướng của các pháp, thì lúc bấy giờ là Tâm từ, Tâm bi, Tâm hỉ, Tâm xả.

Quí Vị còn nhớ chúng tôi nói câu chuyện về Hòa Thượng và mỹ nhân không? Tại sao Hòa Thượng đã tu cả đời rồi mà thấy Công chúa đi ngang, sóng ở trong lòng nó dao động? Rồi tại sao cuối cùng Hòa Thượng nhất định phải đi gặp Công chúa, nắm bàn tay Công chúa, sau đó thì nhập Niết bàn, tại sao thế? Đạo Tràng có hiểu không? Tại vì Ngài nhận ra ngũ uẩn chính là Pháp Thân, Ngài cũng phát hiện tại sao công chúa có sắc thân đẹp, cái tay mịn màng? Tai vì kiếp trước có tu nên kiếp nầy mới đẹp và cái sắc đẹp là huyễn, duyên sanh như huyễn thôi. Khi mắt nhận ra Thật Tướng của các pháp là như huyễn thì ngay chỗ đó Ngài nhập niết bàn. Tại vì Tâm nó buông hết nó không còn dính cái gì hết, biết nó là huyễn rồi còn dính cái gì nữa, như cái bong bóng xà bông con nít nó chơi đó, nó lấy cây súng nó bơm nước xà bông nó bắn ra bong bóng, hỏi bong bóng có thực không? Nói có thực là kẹt đó mà nói không thực cũng kẹt luôn. Đấy, thế là nó trở lại cái vấn đề cảm thọ, 50 cái ngũ ấm ma trong Kinh Lăng Nghiêm đó, đều không thực, như hoa đốm trong hư không, không thực.

Tới đây chúng tôi tạm ngưng, trước khi ngưng chúng tôi xin nhắc lại mấy câu kệ để Quí Vị nhớ nhé: 
Tâm hư không pháp hư không- 
Căn trần, vọng tưởng Tánh vốn đồng- 
Chơn Tánh sát na hoa không hiện- 
Hoa không Diệu Giác ai biết không?

Bốn câu kệ cống hiến cho Đạo Tràng, bốn câu kệ chẳng của ai hết, nó do ngũ uẩn mà ra, Pháp Thân thường trụ mà có, đến đi tự tại, nó là của Đạo Tràng, của công phu của tất cả Chư Vị tu học.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Ngày hôm nay chúng ta học đề tài Ngũ Uẩn Pháp Thân, chỉ là danh tự mà thôi, chấp vào danh tự thì Quí Vị rán mà chịu đó nghe. Quí Vị chấp vào danh tự là mở cửa địa ngục.

Tới đây chúng tôi xin nhường mic lại cho đạo Tràng, Quí Vị có câu hỏi gì đó thì hỏi, nếu không có chúng tôi xin hồi hướng …./.

Sư MINH TÂM (Úc Châu )
      

Đánh máy: Trí Bảo ( Việt Nam )

No comments:

Post a Comment