Friday, June 9, 2017

LỜI DẠY CUỐI CÙNG CỦA ĐỨC PHẬT

LỜI DẠY CUỐI CÙNG CỦA ĐỨC PHẬT

Trong một khu rừng cạnh thị trấn Câu-thi-na (Kusinaga, còn viết là Kuçinagara), ngày nay là một thị trấn nhỏ tên là Kasia, cách 50 cây số về phía đông tỉnh Gorakhpur, và cách 150 kilomét về phía bắc-đông-bắc Varanasi (Bénarès), Phật nằm nghỉ giữa hai gốc cây sa-la. Ngài tự gấp áo cà sa làm bốn, rồi nằm nghiêng về phía tay phải, đầu hướng về phía bắc, mặt hướng về phía tây, hai chân duỗi thẳng, chân này gác lên chân kia. Sau đó Phật ngỏ những lời cuối cùng với các đệ tử để nhắc lại một lần nữa tầm quan trọng của Đạo Pháp. Phật nhắc nhở các đệ tử phải hiểu rằng vị thầy của họ không phải là một nhân vật nào cả, dù đó là Phật, vị thầy đích thực của họ chính là Đạo Pháp. Phật cất tiếng và nhắn nhủ các đệ tử đang ngồi chung quanh Ngài như thế này :
1- Này các đệ tử, sau khi Như Lai qua đời, các vị phải trân trọng, cung kính giới luật như kẻ nghèo hèn được giàu có, như kẻ đui mù được sáng mắt. Phải biết rằng giới luật là bậc Thầy tối thượng. Dẫu có sống thêm ở đời bao nhiêu năm nữa, Như Lai cũng không ngoài mục đích răn dạy các vị về giới luật ấy thôi.   

Người giữ giới thì không được kinh doanh, thương mại, xây dựng nhà cửa, cày cấy ruộng vườn, đầu tư nông nghiệp, thuê người giúp việc, theo kiểu thế tục. Không được chặt đốn cây cối, đào đất, móc hang, điều chế dược liệu, đoán quẻ tốt xấu, xem sao đoán mạng, nghiên cứu địa lý, tìm tòi hưng suy, hay coi lịch đoán số.   

Các vị nên sống tiết chế thân mạng, ăn uống điều độ, duy trì nếp sống thanh cao, giải thoát. Không tham dự chính trị, lãnh sứ mạng liên lạc, thông tin. Không được luyện bùa chú, chế linh dược, giao hảo người quyền quý, kết thân kẻ ngạo mạn. Cần phải giữ tâm chân thật, sống chánh niệm và tỉnh thức trong từng phút giây, mong cầu đạo quả giải thoát. Không được che dấu lỗi lầm, bày điều mê hoặc để thu hút quần chúng. Phải sống ít muốn, biết đủ đối với bốn phẩm vật cúng dường. Sống vừa đủ để hành đạo, không cất chứa tài sản và tiền bạc.  

Như Lai vừa nói tóm tắt về sự giữ giới. Giới luật đó là căn bản, là gốc rễ của giải thoát. Nhờ giữ giới trang nghiêm, thiền định và trí tuệ phát sanh, có thể tiêu diệt sự đau khổ. Thế nên các vị hãy giữ gìn giới luật một cách trọn vẹn. Người giữ giới thanh tịnh sẽ nuôi lớn pháp lành. Người thiếu mất giới thì không thể phát sinh công đức.   

2. Này các đệ tử, các vị phải chế ngự năm giác quan không để chúng dong ruổi theo trần cảnh, dục lạc. Người tu phải như chú mục đồng cầm roi chăn, không để trâu dẫm đạp lúa mạ của người. Một khi các vị buông lung năm giác quan, không những các vị không chế ngự được năm thứ dục lạc, mà các vị cũng không thể dừng được vòng cương toả của phóng túng, như con ngựa chứng nếu không dây cương, nó sẽ  lao xuống hầm hố. Nạn khổ của giặc cướp chỉ có một đời, trong khi nạn giặc giác quan làm chúng sanh đau khổ nhiều kiếp. Tai họa của nó vô cùng nguy hiểm. Các vị phải cẩn thận.   

Thế nên, người có trí cần phải chế ngự các giác quan chứ không phục tùng nó; giữ  gìn chúng như là canh chừng giặc cướp, không để chúng hoành hành, thao túng.

Này các đệ tử, trong các giác quan của con người, ý là quan trọng nhất. Các vị phải thận trọng chế ngự tâm ý mình. Tâm ý rất đáng sợ, nguy hiểm còn hơn thú dữ, rắn độc, thậm chí nguy hại hơn cả nạn hỏa hoạn. Cũng như có người mải mê cầm giữ chén mật trên tay và quên đi hầm hố trên đường, sẽ bị vấp ngã. Cũng như voi say mà không có móc sắt; như khỉ vượn gặp được cây rừng tha hồ mà chuyền nhảy, muốn chế ngự chúng thì thật là khó. Vì vậy các vị siêng năng chế ngự tâm mình, để giữ gìn tất cả các pháp thiện. Khi tâm được chế ngự một chỗ thì không việc gì không thành.     

3. Này các đệ tử, khi thọ dụng phẩm vật cúng dường, các vị nên quan niệm như uống thuốc. Ngon không ham, dở không chê. Ăn uống chỉ để cho khỏi đói khát. Như ong hút mật trong hoa, chỉ lấy mùi vị, không làm tổn thương hương sắc. Người xuất gia cũng vậy: thọ dụng sự cúng dường để đủ sức khoẻ tu tập, không được ham cầu quá nhiều, làm tổn thất tín tâm của tín thí. Hãy như người trí biết lượng sức kéo và chịu đựng của trâu, không nên dùng trâu quá sức, đến nỗi kiệt lực.   

4. Này các đệ tử, ban ngày thì nỗ lực tu tập pháp lành, không để thời gian trôi qua uổng phí. Đầu hôm, cuối đêm cũng không luống bỏ. Giữa đêm tụng niệm, tu trì. Đừng vì chuyện ngủ nghỉ mà để cuộc đời trôi qua vô ích. Hãy tâm niệm rằng ngọn lửa vô thường đang đốt cháy thế gian, để tự tinh tấn độ mình, khắc phục sự lười biếng, ngủ nghỉ. Giặc phiền não luôn rình rập giết các vị, còn nguy hiểm hơn kẻ thù, làm sao các vị có thể mặc tình ngủ nghỉ mà không cảnh giác ! Phiền não ngủ trong tâm người cũng như rắn độc nằm trong nhà, phải dùng móc sắt giới hạnh mà lôi kéo nó ra gấp. Rắn độc ra rồi ta mới an tâm ngủ nghỉ. Rắn độc chưa ra mà mải mê ngủ nghỉ thì thật là người không biết hổ thẹn.   

Này các đệ tử, sự hổ thẹn là trang sức đẹp nhất trong mọi trang sức. Sự hổ thẹn có khả năng chế ngự mọi thứ bất thiện và phi pháp của con người. Thế nên hãy sống với tâm niệm hổ thẹn, đừng bao giờ lãng quên đức tính ấy. Mất tâm hổ thẹn là mất tất cả công đức. Có hổ thẹn là có tất cả thiện pháp. Không hổ thẹn thì có khác chi loài cầm thú.   

5. Này các đệ tử, nếu có ai xúc phạm, thương tổn thân thể các vị, các vị nên kiềm chế tâm mình, đừng để lửa sân hận thiêu đốt. Lại phải giữ lời ăn, tiếng nói, đừng buông lời ác độc để trả đũa ai. Tâm sân hận trỗi dạy sẽ làm băng hoại đạo nghiệp, cháy hết công đức tu tập. Đức tánh của kham nhẫn thì giữ giới và khổ hạnh cũng không thể sánh bằng. Thực hành đức nhẫn mới xứng danh là bậc Thượng Nhân có sức mạnh. Người nào chưa có thể chịu đựng sự nhục mạ một cách hoan hỷ, như uống cam lộ, thì chưa thể xứng danh là người vào đạo có trí. Sự sân hận sẽ thiêu hủy tất cả pháp lành, nó nguy hiểm hơn lửa dữ. Các vị phải canh phòng cẩn mật, đừng cho sân hận xâm nhập. Trong các loại giặc cướp công đức thì sân hận là nguy hiểm bậc nhất. Người thế gian sống thọ hưởng dục lạc, thiếu phương pháp chế ngự, nếu có sân hận còn có thể tha thứ được. Người xuất gia hành đạo loại bỏ mọi thứ vui của đời mà không loại bỏ được sân hận thì thật đáng trách, cũng giống như bầu trời quang đãng mà có sấm sét nổi lên là điều không thích hợp.   

6.  Này các đệ tử, các vị hãy tự xoa đầu mình và ghi nhớ rằng: các vị đã bỏ tất cả các mỹ phẩm và trang sức của thế gian, khoác trên mình chiếc áo cà-sa hoại sắc, sống bằng cách khất thực. Khi nào tâm lý kiêu mạn, cao ngạo nổi lên thì lập tức chế ngự nó. Kiêu ngạo là tánh xấu mà thế nhân còn không nên có, huống chi là người xuất gia vì đạo giải thoát, sống bằng khất thực hay sao!  

7. Này các đệ tử, tâm lý dua nịnh trái ngược hoàn toàn với đạo giải thoát. Thế nên, các vị hãy huấn luyện tâm cho thật chất trực. Nên biết rằng: Dua nịnh là điều dối trá mà người xuất gia không nên có. Phải làm cho tâm ý đoan chánh, phát huy đức tánh trung trực. Đó là con đường vào đạo. 

8.  Này các đệ tử, các vị nên biết rằng người nào tham muốn nhiều thì nhu cầu lợi dưỡng cũng nhiều, do vậy mà đau khổ càng tăng. Người ít muốn thì không ham cầu, không đắm nhiễm nên không có tệ hại ấy. Chỉ với lợi ích ấy thôi cũng đủ để các vị phải trau dồi, thực tập, huống là khi hạnh này còn có công năng phát triển các công đức ! Người ít muốn thì không lấy lòng người bằng cách dua nịnh, lòn cúi và cũng không bị các giác quan sai sử, thao túng. Hành giả ít muốn, tâm ý được thanh thản, không còn những ưu tư, phiền muộn, gặp việc thì đủ nghị lực để ứng phó, không việc gì không làm được. Nói chung, sống hạnh ít muốn tất gần Niết-bàn.   

9. Này các đệ tử, nếu các vị muốn giải thoát mọi đau khổ thì nên thường xuyên tu tập quán biết đủ. Pháp biết đủ là cơ sở của sự an lạc, hạnh phúc và sung mãn. Người biết đủ dẫu nằm trên đất vẫn thấy an lạc. Người không biết đủ dẫu sống ở thiên đường vẫn chưa thấy toại nguyện. Không biết đủ tuy giàu mà rất nghèo. Biết đủ thì tuy nghèo nhưng rất giàu có. Người không biết đủ là kẻ nô lệ của năm thứ dục lạc thấp kém và còn là tấm bia đời đáng thương xót đối với hành giả biết đủ. 

10. Này các đệ tử, muốn đạt đạo tịch tịnh, vô vi, an lạc, các vị phải xa lìa những chốn huyên náo, sống một mình ở những nơi an nhàn, thanh vắng. Người ở chỗ yên tĩnh thì trời Đế-thích và chư Thiên đều kính trọng. Vì thế, các vị nên xa lìa hội chúng, sống đơn độc thư thái và cắt đứt gốc rễ đau khổ bằng tư duy trí tuệ. Người thích hội chúng thì bị hội chúng nhiễu loạn, như cây cổ thụ mà có nhiều chim tụ tập thì có thể bị hư cành. Thế gian trói buộc con người trong đau khổ cũng giống như con voi già bị sa lầy, khó mong thoát khỏi. Đó là hạnh siêu thoát, các vị cần ghi tâm.   

11- Này các đệ tử, nỗ lực tinh tấn thì không việc gì khó khăn. Thế nên các vị phải siêng năng, tinh tấn như giọt nước thường nhỏ có thể xuyên thủng đá. Người tu hành mà biếng nhác thì khác nào như người cọ cây lấy lửa, cây chưa kịp nóng đã nghỉ, dầu tha thiết được lửa, lửa cũng không vì thế mà có được. Hãy siêng năng tinh tấn không dừng.   

12- Này các đệ tử, thực ra cầu cạnh thiện tri thức hay người trợ lực không bằng tự mình đề cao chánh niệm, tỉnh thức. Có chánh niệm thì giặc phiền não không thể xâm nhập được.

Thế nên các vị phải sống trong sự nhiếp niệm. Mất chánh niệm là đồng nghĩa với  mất công đức. Có được chánh niệm bền vững thì dù sống trong môi trường ngũ dục cũng chẳng hề gì, như người chiến sĩ vào trận có mặc áo giáp thì không còn sợ gì nữa.  

13- Này các đệ tử, nhiếp phục được tâm ý là làm cho tâm an trụ vào định. Tâm trụ thiền định thì sẽ thấu triệt được trạng thái sinh diệt, chuyển biến của thế giới. Các vị phải tinh tấn tu tập thiền định. Tâm định thì trạng thái chao động, tán loạn sẽ tiêu mất cũng như người biết cách giữ nước thì phải bảo vệ tốt đê điều. Cũng vậy, muốn có nước trí tuệ, các vị phải khéo tu tập thiền định, không để cho rỉ chảy. 

14- Này các đệ tử, có trí tuệ thì không có tham trước, luôn luôn tự tỉnh thức và tự dò xét, nhờ đó người ấy có khả năng giải thoát trong giáo pháp của Như Lai. Nếu không có trí tuệ thì không xứng danh là bậc xuất gia. Trí tuệ là chiếc thuyền vững chắc vượt qua biển sanh tử, là ngọn đèn sáng chói trong hắc ám vô minh, là dược liệu thần y của mọi bịnh tật và là lưỡi búa bén chặt đứt cây phiền não. Vì thế, các vị cần trau dồi tuệ giác “văn, tư, tu” để tăng trưởng lợi ích. Người có trí tuệ soi chiếu thì dẫu là mắt thịt vẫn là người chánh kiến, thấy rõ bản chất mọi vật.   

15. Này các đệ tử, hý luận chỉ làm cho tâm trí rối loạn. Người xuất gia mà sống hý luận thì không thể đạt được tuệ giác giải thoát. Vì thế các vị phải nhanh chóng từ bỏ vĩnh viễn tâm lý hý luận, vô ích. Diệt trừ các hý luận tạp loạn mới có thể đạt được an lạc tịch diệt.    
16. Này các đệ tử, hãy thường xuyên nhớ đến các công đức để từ bỏ tất cả mọi phóng dật, như là tránh xa bọn giặc cướp tài sản thánh. Thể hiện lòng đại bi, Như Lai đã tuyên nói chánh pháp lợi ích rốt ráo. Về phần mình, các vị hãy nỗ lực tinh tấn thường xuyên, đừng để cuộc đời trôi qua vô ích, sau này ăn năn, hối hận đã muộn. Như Lai như là vị lương y, rõ biết bịnh lý, cho toa thuốc hợp bịnh trạng từng người. Uống hay không uống không phải là lỗi của lương y. Như Lai lại cũng như người chỉ đường, chỉ rõ đâu là con đường nên đi và hướng đến giải thoát. Biết rõ đường lành mà không chịu cất bước lên đường không phải là lỗi của vị đạo sư!    

17. - “Này các đệ tử, đối với bốn chân lý thánh, nếu có chỗ nào chưa thấu đáo, thì nên thưa hỏi, Như Lai sẽ chỉ bày cho các con.”  Thế Tôn khuyên nhắc ba lần như vậy, bốn chúng đều im lặng, không ai còn thắc mắc.     

Lúc ấy, tôn giả A-nậu-lâu-đà bạch Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn, dù cho mặt trăng có thể trở nên nóng, mặt trời có trở nên lạnh, nhưng Bốn Chân Lý Thánh mà Như Lai đã dạy không thể nào thay đổi được. Khổ đế là thực trạng đau khổ của cuộc đời: sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, thù ghét mà phải gặp mặt là khổ, thương yêu mà phải chia lìa là khổ, chấp vào năm nhóm nhân thể là khổ. Diệt đế là trạng thái hết sạch mọi đau khổ và nguyên nhân đau khổ, là an lạc, Niết-bàn. Đạo đế là con đường dẫn đến an lạc, là tám chánh đạo, là trung đạo, không có con đường nào khác. Bạch Thế Tôn, cả bốn chúng đều không còn thắc mắc gì về bốn chân lý cao thượng nầy nữa.  

18. Lúc bấy giờ trong chúng, hàng đệ tử hữu học phải đối diện sự kiện Đức Phật sẽ vô dư Niết-bàn, đều bi cảm, đau xót. Hàng đệ tử mới vào đạo nghe những lời dạy cuối cùng đều được hóa độ, như trong đêm tối nhờ có ánh sáng, nên thấy đường đi. Các hàng đệ tử vô học đã dứt sạch các phiền não, vượt ra khỏi sanh tử, vẫn không ngăn được sự ngậm ngùi: “Tại sao Đức Thế Tôn vô dư Niết-bàn quá sớm ! Lúc đó, Đức Phật vì thương bốn chúng nên dạy thêm rằng:     

- Này các đệ tử, chớ có thảm sầu, đau xót. Dẫu Như Lai có sống thêm ở đời một kiếp nữa, rồi cũng phải đến ngày Niết-bàn. Hội ngộ mà không chia tay; kết hợp mà không tan rã là điều không thể có được.  

Đối với Như Lai, kinh nghiệm và pháp thức lợi mình, lợi người, Như Lai đều đã tuyên bố. Thật chẳng có lợi ích gì, nếu Như Lai sống lâu nơi đời mà các vị không thực hành chánh pháp. Những chúng sanh đáng độ, Như Lai đã độ hết. Những chúng sanh chưa được độ, Như Lai cũng đã tạo nhân duyên để họ được hóa độ. Từ nay trở đi, đệ tử của Như Lai hãy noi theo truyền thống chánh pháp mà thực hành. Đó là cách làm cho pháp thân Như Lai thường còn, và mãi mãi bất diệt ở thế gian. Như Lai vô dư Niết-bàn hay không, việc đó không quan trọng. 

Này các đệ tử, các vị nên nhận thức rằng mọi vật thể, hiện tượng trên thế gian này đều chuyển biến, vô thường, có kết hợp thì phải có tan rã, chẳng có gì để quyến luyến, thương tâm. Cuộc đời là như thế, các vị phải nỗ lực tinh tấn để tự giải thoát. Dùng ánh sáng trí tuệ để tiêu diệt bóng tối si mê. Đời là một sự vận hành không kiên định. Như Lai vô dư Niết-bàn như bỏ đi một căn bệnh dữ. Đó là năm nhóm nhân tính, mang tính tội lỗi, tạm gọi là thân, vì thế, nó phải chịu sự chi phối không thương tiếc của già, bệnh và chết. Bậc tuệ trí khi thoát khỏi nó có cảm tưởng như là dẹp xong được bọn cướp. Như vậy, chết không đáng để hoan hỷ, an lạc hay sao ?   

Này các đệ tử, các vị phải tha thiết tìm kiếm con đường giải thoát. Toàn thể thế giới từ những vật thể đang vận động cho đến các vật thể không vận động cũng đều không thường còn, và không có thực thể, rồi phải đến lúc hoại diệt.

Thôi, các vị hãy yên lặng, đừng nói thêm lời nào nữa ! Đã đến lúc Như Lai vô dư Niết-bàn. Đó là những lời dạy cuối cùng của Như Lai.   


No comments:

Post a Comment