PHÁP TU KHẤT THỰC TRÌ BÁT
KHẤT THỰC LÀ HẠNH BA ĐỜI CHƯ PHẬT
Việc
đầu tiên của đức Phật sau khi giác ngộ là thành lập Tăng đoàn gồm những đệ tử
xuất gia theo Ngài, những hiền nhân nay đây mai đó, những người từ bỏ tất cả vật
chất thú vui thế tục để học Phật pháp và hoằng dương giáo lý giải thoát khỏi
sinh tử luân hồi. Họ tạm sống bằng cách đi khất thực từ nhà này đến nhà khác,
và họ không có gì ngoài ba chiếc áo và một cái bình bát. Danh từ khất sĩ có từ
đó. Khất Sĩ có nghĩa là khất thực và khất pháp, tức là xin vật thực của người
đời để nuôi thân và xin Pháp của Phật để tu hành nuôi tâm. Hằng ngày họ đến từng nhà khất thực để mọi
người có cơ hội bố thí
mà tạo phước đức và nhân dịp đó chư Tăng nói pháp khuyên người nên tu tâm dưỡng
tánh, làm lành lánh dữ.Những vị tu sĩ nào thực hành hạnh khất thực đúng pháp,
tinh tấn trong đời sống tâm linh, được tôn xưng là Sa Môn.
Chính
Đức Thế Tôn cũng noi theo chư Phật đời trước mà đi khất thực. Lần đầu tiên Đức
Thế Tôn trở về thăm gia đình với hình ảnh đắp y mang bát cùng chư Tăng đi khất
thực. Khi thấy hình ảnh ấy phụ vương Suddhodana buồn bã than rằng, có phải gia
tài này không đủ nuôi Thế Tôn sao mà Thế Tôn phải ôm bát đi xin như thế. Đức Phật
trả lời rằng ôm bát khất thực là hạnh của ba đời chư Phật nên Như Lai phải hành
như thế. Trong Kinh Kim Cang cũng nói
rõ về cách hành trì của đức Phật hằng ngày: "Lúc đó, gần đến giờ ăn, đức Thế-Tôn đắp y, cầm bát, vào thành lớn Xá-Vệ
mà khất thực. Trong thành ấy, đức Phật theo thứ tự, ghé từng nhà, khất-thực
xong trở về Tịnh-Xá, dùng cơm, rồi cất y-bát, sau khi rửa chân xong, đức Phật
trải tòa mà ngồi".
NHƯ THẾ NÀO LÀ KHẤT SĨ ?
Khất sĩ là
người ăn xin nhưng không phải là kẻ xin ăn nào cũng là khất sĩ. Thế Tôn đã khẳng định như vậy. Nếu thực hành
hạnh khất thực hành phạm hạnh, không sống đời chánh trí thì không phải Tỷ
kheo. Một
thời, Thế Tôn trú ở Savàtthi. Rồi Bà la môn Bhikkhaka đi đến, sau khi chào đón,
hỏi thăm, ngồi xuống một bên bạch Thế Tôn: "Thưa Tôn giả Gotama, con là người khất thực và Tôn giả cũng là người
khất thực. Vậy có sự sai khác gì giữa chúng ta?". Thế Tôn đáp: “Không phải ai ăn xin; cũng gọi là khất sĩ; nếu chấp trì độc pháp; không
còn gọi Tỷ kheo; ai sống ở đời này; từ bỏ các phước báo; đoạn trừ mọi ác pháp;
hành trì theo phạm hạnh; sống đời sống chánh trí; vị ấy xứng Tỷ kheo”. Khi
được nghe nói như vậy, Bà la môn Bhikkhaka bạch Thế Tôn: "Thật vi diệu thay Tôn giả Gotama! Mong Tôn
giả nhận con làm đệ tử, từ nay đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng".
Khất
thực là một trong những nghi thức tu tập tối quan trọng của Tăng Già Phật giáo
do Đức Phật chế ra để diệt trừ tham tâm và ngã mạn. Phật dạy một vị Tăng sĩ điều
trước tiên phải hành pháp khất thực.
Hình ảnh ấy biểu trưng cho sự giải thoát của những bậc đã giải thoát mà đức
Phật là vị khai sáng. Như vậy khất thực là vì lòng từ bi, vì lợi ích cho chúng
sinh, vì phương tiện tu hành, vì tự độ và độ tha và hai bên cùng lợi lạc.
Thêm
nữa, pháp khất thực do Phật truyền cho các đệ tử xuất gia phù hợp với nguyên lý
Trung đạo, tức là tránh xa hai cực đoan. Thứ nhất là tránh xa sự sung sướng
thái quá qua việc ăn thực phẩm do người đời cúng dường để vào trong bình bát mà
không dùng đũa ngọc, chén ngà, bàn cao, ghế đẹp với thức ăn mỹ vị. Thứ hai là
tránh xa sự khổ hạnh thái quá qua chiếc bát đựng đồ ăn vừa đủ dùng, không giống
như phái tu khổ hạnh lượm trái cây, lượm đồ ăn dư thừa mà ăn.
KHẤT THỰC TẠI ĐÔNG ĐỘ
Vào
khoảng cuối thế kỷ thứ I đầu thế kỷ thứ II sau công nguyên Phật giáo được truyền
vào đông độ, với tinh thần từ bi cứu độ không phân biệt giàu nghèo sang hèn. Đồng
thời hiển truyền chân lý "Hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh và đều có
khả năng thành Phật như nhau" cho nên giáo lý của Phật Đà được sự đón nhận
cũng như đồng tình của tầng lớp quí tộc và trí thức Nho gia cũng như Đạo gia
của Đông Độ và sự thành tâm tín ngưỡng của quần chúng trong xã hội phương Bắc
nhất là Trung Hoa.
Khác
với Ấn Độ, truyền thống văn hóa, tập quán,
phong tục của người Đông Độ cho rằng khất thực là một trong những hành vi của
người nghèo khổ, không có địa vị trong xã hội, không phải là tầng lớp trí thức
cao quý, cho nên lúc đầu chư Tăng cũng đi trì bình khất thực, nhưng do có sự dị
nghị cũng như hiểu lầm về giá trị của Tăng già trong xã hội, nhất là buổi ban
đầu đa số chư Tăng đều là thầy của vua quan và quý tộc có địa vị rất cao trong
xã hội.
Triều
đình cũng như vua chúa các vị đại thí chủ phát tâm cúng dường y phục vật thực
thay vì chư Tăng phải đi trì bình khất thực thì chỉ ở trong trú xứ chuyên tâm lo
việc hoằng giáo tu trì. Vua Huệ Đế thời Tây Tấn lập chùa Hưng Thánh để cúng
dường chư Tăng. Đời Bắc Ngụy có chế độ "Tăng Kỳ Hộ" quy định trong
dân gian mỗi năm đóng 60 đấu gạo vào trong Tăng Tào để cúng dường cho Tăng... .
Khi
Tăng đoàn Phật Giáo Bắc Truyền đến đời vua Lương Võ Đế, nhà vua vì muốn thể
hiện tinh thần từ bi của Đạo Phật khuyên không ăn thịt chúng sanh, nên hết lòng
xiển dương ăn chay, ra sắc lệnh cấm Tăng sĩ không được ăn mặn. Khất thực theo
luật Phật chế khi đi trì bát thường là Phật tử cúng thức ăn gì, thì chư Tăng
thọ dụng thức ăn đó, bất cứ là thực phẩm là chay hay mặn, việc cấm ăn mặn này làm
cho pháp trì bình khất thực gặp phải chướng ngại, cho nên chư Tăng phải tự nấu
thức ăn chay trong chùa.
Đời
Đông Tấn, để phù hợp với văn hóa tập tục truyền thống xã hội nông nghiệp của
Đông độ, Ngài Đạo An Đại Sư lại đề xướng chư Tăng cần phải làm ruộng để tự nuôi
sống mình, trong Cao Tăng Truyện Đông Tấn Cao Tăng Đạo An chép: "đem kinh
vào trong ruộng, nghỉ việc chỉ lo đọc sách". Chư Tăng cũng cần phải làm
ruộng để tự nuôi sống mình, chứ không phải chỉ biết đọc Kinh.
Đến
đời nhà Đường, Thiền Tông hưng thạnh. Ngài Bách Trượng xiển dương "Nhất
nhựt bất tác, nhứt nhựt bất thực", một ngày không làm thì ngày đó không
ăn, thiết lập chế độ "Nông Thiền" trong Phật Giáo Bắc Truyền, giảm đi
truyền thống khất thực của Tăng Già trong Phật Giáo Bắc Truyền ở Đông Độ. Có lẽ
vì nguyên nhân chính này mà truyền thống trì bình khất thực của Tăng Già nay
còn là nghi thức trong "Truyền Y Phú Bát" trong Giới Đàn Phật Giáo
Bắc Truyền.
Dưới
Triều nhà Đường ở Trung Hoa, một tông phái đặc biệt, Luật Tông, được thành lập
với mục đích làm sống lại truyền thống khất thực xưa, và đem ra thực hành những
giới luật nghiêm ngặt của Luật Tạng.
NGHI THỨC CỔ PHẬT KHẤT THỰC
Nghi
Thức Cổ Phật Khất Thực là một trong những nghi thức quan trọng trong giới đàn
Phật Giáo Bắc Truyền. Nghi thức này được hầu hết các vị Tổ sư Trung Hoa cũng
như Việt Nam khi khai đàn truyền giới đều có tổ chức hành nghi "Cổ Phật
Khất Thực". Theo sách Hải Ngoại Ký Sự của Ngài Thạch Liêm Thiền Sư, khi
khai đàn truyền giới tại Thuận Hóa cũng đều có hành nghi cổ Phật khất thực,
sách chép: "... ngày thứ 3 cùng với
Quốc sư dẫn lưỡng tự đại chúng tân giới tử đi vào hoàng cung hành nghi cổ Phật
khất thực... nhà vua đắp tử y hai bên có hai vị Tăng trì tích cầm tọa cụ đứng
đợi nơi cổng thành phía tây, hơn 1400 tân giới tử, đắp y trì bát trang
nghiêm...".
Giới
Đàn là nơi giới tử cầu Giới chỉ vì một niệm siêu thoát sanh tử, Tăng Ni đắc
giới chỉ có tâm đầu "tục Phật huệ mạng, hoằng pháp lợi sanh". Tăng
đoàn trì Giới tức Phật Pháp hưng long, Chánh pháp cửu trụ. Giới Đàn là nơi cụ
túc viên mãn hết thảy các công hạnh trên, nơi thành tựu hết thảy chư Phật công
đức, nơi lưu giữ và truyền thừa Phật Pháp tâm tông, truyền thống Tăng đoàn từ
đây được xiển dương và phát triển.Khất thực lại là một pháp quan trọng của Tăng
do Phật chế định. Tăng chúng trì bình khất thực có hai ý nghĩa chính, thứ nhất
là nuôi dưỡng sắc thân, thứ hai là tạo nhân duyên lành để chúng sanh gieo trồng
phước điền. Vì vậy khi giới tử đăng đàn thọ Đại Giới để chính thức trở thành
một vị Tăng pháp căn bản để trở thành một vị Tăng chân chính là khất thực, cho
nên không thể không biết. Vì vậy Nghi Thức Khất Thực được Phật Giáo Bắc Truyền
xưng là "Nghi Cổ Phật Khất Thực".
Tại
sao đi trì bình khất thực lại được xưng là nghi thức "Cổ Phật Khất
Thực"? Trong sách Ngũ Đăng Hội Nguyên có đoạn chép: "Một hôm Đức Phật dạy ngài A Nan: "Đã
sắp đến giờ ngọ, ông nên trì bát vào thành để khất thực", Ngài A Nan
đáp: "Bạch vâng". Đức Thế Tôn lại dạy: "Khi ông trì bát đi khất thực, nên nhớ phải y theo nghi thức của Thất
Phật thời quá khứ", Ngài A Nan liền hỏi: "Nghi thức khất thực của
Thất Phật thời quá khứ là như thế nào?". Phật gọi Ngài A Nan. Ngài A Nan
đáp "Dạ". Phật lại dạy "trì bát đi khất thực đi".
Vì
sao Nghi thức Khất Thực lại liên quan đến Thất Phật ? Trong sách Ngũ Bách La
Hán nói về vị Tổ thứ 7 là Ngài Thất Phật Nan Đề Tôn Giả, có đoạn chép liên quan
đến Thất Phật khất thực: "Thất Phật
là bảy vị Phật Tổ thời quá khứ, vì độ chúng sanh mà nhẫn nại đi khất thực,
không kể đông hè nóng lạnh, đi hóa độ khắp tất cả mọi nơi, cứu độ chúng sanh,
siêu thăng Phật Độ...". Trong sách Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 1 chép:
"Thất Phật là bảy vị Cổ Phật từ vô
lượng kiếp xa xưa không thể tính đếm ước lượng được, ứng thân hiện thế, tính từ
hiện tại hiền kiếp 1000 vị Phật. Thất Phật là bảy vị Phật trước Đức Phật Thích
Ca...".Trong sách Chỉ Quán Bổ Hành Chuyên Hoằng quyển thứ 4 phần 3
chép: "Đây gọi là Khất thực, đầy đủ
Đầu đà năm pháp khất thực....Thất Phật cùng Bồ Tát Phương Đẳng đều là hành giả
khất thực...". Trong sách Đầu Đà Kinh có chép: "...Thất Phật quá khứ cho đến các vị Bồ tát
phương đẳng đều là những hành giả khất thực...".Trong Luật Thiện Kiến
chép: "các bậc Thánh nhân trong Tam
thừa đều trì bình bát đi khất thực để nuôi dưỡng tự thân". Trong Kinh
Kim Cang Lược Sớ có chép : "Từ cổ
thất Phật quá khứ cho đến nay, chư Phật đều đắp y trì bát đi khất thực, đây là
nghi thức thường nhật của chư Phật vậy. Chư Phật lấy khất thực làm chánh mạng
thực, thức ăn không phải do tín chúng cúng dường là không phải thức ăn của Tỳ
Kheo vậy. Cho nên Phật chế là Tỳ Kheo phải đi khất thực để tự nuôi sống chánh
mạng của mình...".
Ý NGHĨA VI DIỆU CỦA NGHI THỨC CỔ PHẬT KHẤT THỰC
Những
ý nghĩa vi diệu của nghi thức Cổ Phật Khất Thực được nêu ra sau đây là một
trong những bài pháp tối quan trọng cho những người sơ tâm học Phật, là ý chỉ
tâm tông để cho những ai muốn phát tâm nhập vào hàng Thánh.
Khất
thực là pháp môn tu hành thành tựu chánh mạng thanh tịnh của chư Phật, Thánh
chúng. Khất thực là pháp căn bổn để duy trì mạng sống Tăng đoàn Phật Giáo. Tăng
hành khất thực là bên trong khất thực để nuôi dưỡng thân huệ mạng, bên ngoài
khất thực để thuyết pháp độ chúng sanh, đồng thời cũng tránh việc tích chứa của
tín thí cúng dường làm của riêng tư, chướng ngăn con đường Thánh đạo. Vì vậy từ
quá khứ chư Phật Bồ Tát cho đến chúng Tăng đều phải thọ trì.
Phật
cũng dạy người xuất gia cần phải tu hành pháp trì bình khất thực, vì đây là
phương pháp để tu luyện đức tính thiểu dục tri túc. Pháp môn trì bình khất thực
là pháp môn tối thắng để người xuất gia tập hạnh khiêm tốn và cuộc sống đơn giản.
Là Sa môn, Phật dạy chỉ cần ba y một bát, chổ ở là tùng lâm tịnh xá, mỗi ngày
khất thực nuôi thân để tu hành nếu thực hành được như vậy thì người ấy đã thành
tựu được pháp viễn ly tham dục khổ não và luôn được thanh tịnh an lạc.
Thực
hành pháp khất thực là để diệt trừ tâm kiêu mạng. Người xuất gia thế phát ly
gia là thể hiện ý chí từ bỏ thân tướng tốt đẹp của thế gian, mặc áo Ca Sa xả bỏ
hết thảy trang sức của thế gian, tay ôm bình bát đi khất thực thể hiện đức
khiêm nhường và sự xả bỏ kiêu mạn, mỗi bước chân trên đường đi khất thực là mỗi
bước đến gần với quả vị Phật.
Chư
Tăng trì bình khất thực là tự mình đang tu tập hạnh diệt trừ tham sân si, nuôi
dưỡng tâm đại từ, người cúng dường hoan hỷ vì có thể theo tâm nguyện và khả
năng của mình để dâng cúng. Chư Tăng trì bình đi khất thực là một trong những
pháp kết duyên với chúng sanh tối thắng nhất, vì tín chúng có thể tùy theo
phương tiện của mình mà hỷ cúng, và có thể tùy lúc tùy nơi để thân cận Tam Bảo,
tùy thời có thể kết duyên cúng dường Tam Bảo.
Khất
thực thọ chúng cúng dường còn tu tập hạnh tùy duyên, có thể ở trong chùa để thọ
cúng, có thể đến nhà thí chủ để thọ cúng và có thể ra đường khất thực đều không
có chướng ngại chỉ tùy theo duyên của chúng sanh để hóa độ.
Chùa
Đại Bi ở Hải Thành, Liêu Ninh (Trung Hoa) là một trong những chùa Phật giáo có
mặt từ khi Phật giáo truyền đến Đại Lục Trung Hoa vào thời nhà Hán, vì số lượng
không nhiều nên không có thiết lập “thùng công đức”. Lúc đầu chùa chỉ là một
căn lều cỏ với hai vị sa môn thọ trì giới Tỳ kheo, giới Bồ tát; những vị Tăng nầy
hành hạnh đầu đà, suốt đời không đụng đến tiền, mặc y bá nạp, ngày ăn một bữa,
quá ngọ không ăn, trì bát khất thực. Trong khoảng mười năm, thế độ người xuất
gia làm Tỳ kheo lên đến mấy trăm, người quy y Tam Bảo có đến mấy vạn. Mỗi lần
chư Tăng vân du, đi suốt mấy chục vạn cây số, khiến vô số người được thân cận
Tam Bảo, nghe được Phật Pháp.
Chư
tăng trì bình đi khất thực làm cho hình bóng của Tam Bảo thường trụ trong cuộc
đời, hình bóng Tăng già hiện ở cuộc đời luôn nhắc nhở cho tín chúng cũng như xã
hội luôn có ý thức sự trường tồn cũng như giá trì hằng còn của thế gian trụ trì
Tam Bảo, đồng thời cũng là một trong những lời nhắc nhở về từ bi, đạo đức sống
về tình thương, về trí tuệ sống động nhất trên cuộc đời.
Phật
Giáo Bắc Truyền vì những nhân duyên trở ngại nói trên nên pháp môn trì bình
khất thực của chư Tăng tu Phật bị giảm. Nhưng không vì lý do đó mà việc hành
trì khất thực bị mai một. Khất thực từ một việc làm thường nhật của chư Tăng
được thăng hoa thành một nghi thức truyền thống trang nghiêm long trọng trong
Giới Đàn. Từ những việc làm thường nhật thành một nét văn hóa truyền thống mang
tính biểu trưng của Phật Giáo, cổ lệ của chư Phật, cội nguồn của chúng Tăng.
Nghi thức "Cổ Phật Khất Thực" trong Giới Đàn Phật Giáo Bắc Truyền,
nét đẹp trang nghiêm giải thoát của người con Phật luôn được gìn giữ và ngày
một thăng hoa trong tâm niệm "Truyền Đăng Tục Diệm.", với chí hướng
"thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh".
Phật
dạy "tùy duyên bất biến". Phật Giáo Bắc Truyền tùy duyên hóa độ chúng
sanh Đông độ nên trong sinh hoạt của Tăng đoàn có những sự thay đổi để phù hợp
và thích nghi với quốc độ, xã hội và tập tục văn hóa đông phương, hình thức tuy
có thay đổi nhưng hành trì và nội dung của các pháp thì không có sự thay đổi,
nghi thức Cổ Phật Khất Thực cũng như vậy suốt hơn 2500 năm qua dù chư Tăng Phật
Giáo Bắc Truyền đã giảm truyền thống đi khất thực thường xuyên, nhưng hành trì
Quá Đường thọ thực trong thường nhật vẫn như cổ lệ xưa dùng bình bát để thọ
thực, và nghi thức truyền thống đi khất thực vẫn được tái hiện khi các Đại Giới
đàn khai mở. Khi có nhân duyên thì nghi thức khất thực truyền thống này sẽ mãi
mãi còn lại trên thế gian như hình bóng thường trụ của Tăng Già. Nếu nói về Sự
Tướng thì có khất thực, có người, có ta, có thức ăn, có cúng dường bố thí,
nhưng nếu nói về Thể Tánh thì ta cũng không mà chúng sinh cũng không có thì làm
gì có chuyện cúng dường, bố thí hay đi khất thực. Chuyển Tâm thành Tánh thì làm
cũng như không làm, khất thực cũng như không khất thực chính là việc làm của
Bồ-tát.
NHỮNG
NGUYÊN TẮC VỀ TRÌ BÌNH KHẤT THỰC
Ý Nghĩa về Khất Thực
Khất
thực là một thuật ngữ Phật học mà nếu ta dịch nghĩa sẽ dễ bị hiểu lầm như là
‘xin ăn’ bình thường. Khất thực là một sinh hoạt thường nhật của tăng đoàn thời
đức Phật. Đó là một cách hành trì, một hạnh nguyện của các vị xuất gia theo
Phật. Khất thực là phương cách có thể đem lại nhiều lợi lạc thiết thực cho vị
khất sĩ cũng như Phật tử cúng dường; là cách truyền bá và duy trì Phật pháp
hiệu quả thông qua hình ảnh tăng đoàn hành khất. Tuy nhiên, những giá trị lợi
lạc ấy chỉ có thể đạt được khi pháp này được hành trì đúng mục đích.
Tâm
niệm khi đi khất thực
Khất thực có 10 điều lợi: (trích Sadi luật giải)
1- Nuôi sống thân mạng, cái lợi nầy thuộc về mình, chớ phi thuộc về kẻ
khác.
2- Người hộ cơm cho ta, họ được cận sự Tam Bảo, ta tưởng thế rồi sẽ ăn.
3- Ta thường sanh tâm đại bi.
4- Ta thuận theo lời Phật dạy.
5- Dễ biết đủ dễ nuôi.
6- Phá cờ kiêu mạn.
7- Được căn lành vô kiến đảnh tướng.
8- Các bậc hiền thiện ngó thấy sẽ bắt chước.
9- Chẳng cùng thân cận nhau với kẻ nam người nữ.
10- Vẫn nảy lòng bình đẳng theo thứ lớp mà khất thực.
Đối với vị Tỳ kheo, khất thực có năm điều lợi ích:
(1)
tâm trí được rảnh rang, ít phiền não,
(2) không bận rộn tâm và thân để kiếm kế sinh
nhai,
(3) đoạn trừ tâm kiêu căng ngã mạn,
(4) đoạn trừ lòng tham, không thể tham ăn ngon và ăn
nhiều vì ai cho gì ăn nấy, không thể chọn lựa, thức ăn chỉ đầy bát chớ không nhiều
hơn nữa, tránh khỏi sự thâu trữ vật thực tiền của và
(5) có nhiều thì giờ tu hành.
Ngoài lợi ích cho riêng mình, vị Tỳ kheo khất thực còn mang
lại ba điều lợi ích cho chúng sinh như:
(1) tạo cơ duyên cho
người bố thí đoạn trừ lòng tham, tức là tạo phước duyên cho họ,
(2) tạo cơ duyên giáo hoá chúng sinh, và
(3) Nêu gương sống giản dị làm cho người đời bớt tham
đắm của cải.
Đối với chư Bồ-tát thì quan điểm về khất thực phải có
những ý nghĩa sau đây:
1)Người khất thực phải coi miếng ăn là phụ mà giáo hóa chúng sinh mới
là chính.
2) Phải xem việc tạo phước cho chúng sinh là phụ mà dạy cho chúng sinh
phát Bồ-đề tâm đi vào Phật đạo mới quan trọng bởi vì pháp liễu nghĩa thượng
thừa không chủ trương cúng dường để được phước đức mà pháp nầy cũng không chủ
trương chú nguyện ban phước đức cho người cúng dường.
3)Thuyết pháp cho chúng sinh là phụ mà đoạn trừ phiền não vô minh cho
chính mình mới là tối quan trọng vì có tự giác mới giác tha được.
4)Dạy cho chúng sinh thành Phật là phụ mà tăng tiến bồi dưỡng trí tuệ
Phật cho mình mới là chính.
Tư tưởng Bắc Tông mở rộng cho chúng
sinh một lối nhìn mới, không còn bị hạn chế ràng buộc để chúng ta có thể đi
thong dong trên con đường Bồ-tát đạo. Kinh Kim Cang dạy rằng:”Bố
thí vô tướng và độ sanh vô ngã” và “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”
tức là khi bố thí và giúp người thì đừng có chấp ngã chấp tướng và cũng đừng để
tâm dính mắc nơi sáu trần thì làm bất cứ việc gì trên thế gian nầy cũng rất an
vui tự tại. Tư tưởng Đại thừa là bố thí mà không thấy mình có bố thí nên không
còn mong cầu phước đức và trông đợi đền ơn. Cho mà không biết mình cho và nhận
mà không thấy mình nhận thì mới cho và nhận chân thật tức là không còn dính
mắc. Người cho bây giờ không còn mong cầu phước đức mà là phương cách tu hành
để thanh lọc nội tâm, tẩy trừ tham-sân-si, ngã, mạn mà tiến thẳng về giải thoát
giác ngộ. Thế thì người cho kẻ nhận đều có lợi vì cả hai đều có thể đạt được
quả vị Bồ-đề. Đây mới là chân bố thí của Đại thừa vì con người không còn lệ
thuộc tình cảm của thế gian mà sống với lý trí sáng suốt triệt để của mình.
Kinh Bát nhã cũng nói thêm:”Tất cả các
pháp lành đều nhiếp vào Bát nhã Ba-la-mật-đa sâu thẳm”. Nếu con người sống được
với trí tuệ Bát nhã thì coi tất cả chúng sinh như nhau. Ai khổ thì giúp, ai mê
thì gọi cho thức tỉnh mà tâm không mong cầu đền đáp nên việc làm được viên mãn.
Còn nếu chưa sống được với trí tuệ Bát nhã, tuy có làm Phật sự trên hình tướng
nhưng làm một lúc không sao tránh khỏi sự thiên chấp thân, sơ, thương, ghét…nên
việc làm không viên mãn.
Không phải vì ăn mà khất thực thì mới nên đi khất thực.
Thông thường có đói mới đi kiếm ăn vì thế nếu không ăn thì cần gì phải
đi khất thực? Nhưng ở đây không phải vì ăn có ý nghĩa sâu xa là không quan tâm,
chú ý đến miếng ăn. Ăn là để nuôi thân mà tu đạo chớ không phải ăn để tạo thêm
phiền não hay bồi dưỡng, cung phụng thân thái quá mà gây ra nghiệp để chịu quả
khổ về sau. Tâm không mong cầu miếng ăn mà mục đích khất thực là để phá trừ ngã
chấp, phát triển tâm bình đẳng và làm phước điền cho tất cả chúng sinh. Nếu nói
về Sự Tướng thì có khất thực, có người, có ta, có thức ăn, có cúng dường bố
thí, nhưng nếu nói về Thể Tánh thì ta cũng không mà chúng sinh cũng không thì
làm gì có chuyện cúng dường, bố thí hay đi khất thực. Chuyển Tâm thành Tánh thì
làm cũng như không làm, khất thực cũng như không khất thực chính là việc làm
của Bồ-tát. Vì Bồ-tát không còn chấp ngã chấp pháp và tâm bình đẳng nên họ rất
an nhiên tự tại.
Những chỗ không đi:
Cùng đi với bậc kỳ túc, người lão thành thì
không xảy sự quá thất. Xa lìa năm nhà, nên nói: “Chỗ nào nên đi”
1- Nhà hát xướng.
2- Nhà dâm nữ.
3- Nhà bán rượu.
4- Cung điện của vua.
5- Nhà đồ sát là lò giết bò heo.
Bình
Bát:
Đi
khất thực còn gọi là đi bình bát hay trì bát. Chữ Bát có nghĩa là đồ dùng để chứa
đựng các thực phẩm chỉ đủ vừa sức ăn cho một người. Bình bát là loại bình được
làm bằng đá, bằng sành, bằng đất sét nung thật chín rồi tráng men bên trong cho
khỏi rỉ nước, chứ không được làm bằng vàng bạc hay tất cả những kim khí quý… Nếu
dùng bằng kim khí quý thì không đúng phẩm hạnh của người xuất gia. Các vị đã
phát tâm xuất gia tức là tập hạnh xả bỏ tất cả, kể cả thân mạng nếu cần và đúng
với chánh pháp, nghĩa là xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo.
Giờ
Khất Thực:
Theo
như lịch sử, việc đi khất thực bao giờ cũng diễn ra vào buổi sáng và chấm dứt
trước giờ ngọ tức trước lúc mặt trời đứng bóng. Các Tỳ-kheo đi một mình hay từng
nhóm, không đứng trước cửa chợ mà đi theo thứ tự, từ nhà này sang nhà khác,
không phân biệt, mắt nhìn xuống và yên lặng đứng đợi trước mỗi cửa nhà để xem
thức ăn có được đặt vào bình bát không. Chỉ được thọ nhận vật thực, không được nhận
tiền bạc. Nếu vị Tăng chỉ biết ăn chay mà thí chủ không biết cúng đồ mặn thì họ
lấy tay che bình bát lại. Sau khi nhận thực phẩm họ luôn chú nguyện
cho thí chủ phước huệ được tăng trưởng, thân tâm an lạc rồi tùy duyên mà nói
pháp. Về hành trang chỉ gồm có một chiếc bình bát duy nhất, không được
mang theo túi hay đãy. Ðối với Ni giới, khi đi khất thực, phải đi từ hai vị trở
lên, không được đi một mình riêng lẻ.
Ở Ấn Độ, chư tăng đi khất thực vào buổi sáng, trở về
vào buổi trưa và thiền định vào buổi chiều. Khất thực cả sáng lẫn chiều là
không đúng. Bởi vì đồ ăn của tăng sĩ hoàn toàn dựa vào khất thực, nên đức Phật
cấm tăng ni ăn vào buổi chiều.
Ở Tây Tạng không có các thành phố lớn và các làng mạc
Tây Tạng lại cách xa và rải rác. Thế nên nếu các tu sĩ lên đường đi khất thực
vào bốn giờ sáng, thì phải tận đến chiều tối họ mới trở về đến và do đó không
thể tu tập và học hỏi gì được nữa. Vì vậy, các bậc pandita và siddha Tây Tạng
trong quá khứ đã quyết định thay vì bỏ cả ngày ra để đi khất thực, thì tốt hơn
là để cho các tăng ni dành thì giờ ấy mà tu học. Thế nên tu sĩ Tây Tạng không
đi khất thực.
Toàn
thể chư Tăng và cư sĩ hộ pháp chùa Đại Bi (Trung Hoa) đều tuân hành nghiêm chỉnh
giới luật Phật chế, ngày ăn một bữa, quá ngọ không ăn. Toàn thể chư Tăng trên
đường hành cước đều phải trì bát khất thực, gieo trồng vô lượng vô biên phước
điền cho chúng sanh.
Quy
định Phật chế, khất thực không được thì chuyển qua nhà khác, không được nói lời
oán trách và có vẻ không vui, chỉ khất thực 7 nhà, được bao nhiêu hay bấy
nhiêu, sau khi khất thực xong liền quay trở về.
Trước khi đi khất thực
Theo Kinh Phật, trước khi lên đường
khất thực vị khất sĩ nguyện rằng: “Nguyện
cho các vị Khất gỉa thảy đều được no đủ và nguyện cho các thí chủ thảy đều được
phước báu vô lượng. Như nay tôi được món ăn là dùng để điều trị cái thân
độc hại này, để tu tập thiện pháp, lợi ích cho thí chủ.”
Tâm Bình đẳng trong khi đi khất thực.
Vị khất sĩ giữ tâm bình đẳng: theo thứ tự nhà của dân chúng mà xin ăn, không chỉ
đến xin nơi nhà giầu, cũng không chỉ xin nơi nhà nghèo. Tâm bình đẳng là tâm không còn phân biệt và
đây là do đạo đức và quả chứng của người tu mà được. Khi thấy có nghèo và giàu
là còn kẹt trong vòng phân biệt nhị nguyên, còn so sánh đối đãi, còn chấp
tướng, còn sống với vọng chứ chưa phải Chân.
Có lần đức Phật quở trách Tôn gỉa Ca
Diếp bỏ nhà giầu mà xin nhà nghèo, quở trách Tôn gỉa Tu Bồ Đề bỏ nhà nghèo mà
xin nhà giầu. Vì trước đó Tôn Giả Ca Diếp nghĩ rằng "người nghèo thật đáng thương, ít phước, nếu
không gieo trồng phước lành cho họ thì đời sau lại càng khổ hơn, nên đến đó xin
để nhờ đó họ bố thí cúng dường mà được phước về sau". Trái lại,
Tôn giả Tu-Bồ-đề lại cho rằng: "Người
giàu, nếu đời nay không gieo trồng phước lành thì đời sau lại nghèo khổ."
Mỗi vị đều trình bày lý do của mình, Đức Phật quở trách các vị ấy là bậc
A-la-hán có tâm phân biệt, không bình đẳng.
Trong kinh Duy Ma Cật cũng có đọan
chép như sau. Bây giờ Đức Phật mới
gọi tôn giả Đại Ca Diếp đến và bảo: Này Đại Ca Diếp! Ông hãy đến thăm
bệnh trưởng giả Duy Ma Cật vì ông ấy đang có bệnh. Tôn giả
thưa: Bạch Thế Tôn! Con không dám lãnh
trách nhiệm đi thăm bệnh ông Duy Ma Cật. Vì con nhớ trước đây, một hôm nọ con
đi khất thực trong một xóm nghèo, ông Duy Ma Cật gặp và nói cho con một thời
pháp dài rằng: Thưa ngài Đại Ca Diếp! Ngài có tâm từ mà không phổ biến, chẳng bình đẳng
đối với chúng sinh. Ngài chừa nhà giàu, tìm nhà nghèo mà khất thực. Thưa ngài
Đại Ca Diếp! Hãy nên trụ ở pháp bình đẳng, khất thực theo thứ tự của xóm làng.
Không phải vì ăn mà khất thực thì mới nên đi khất thực. Nhằm hoại diệt cái thân
tướng hòa hiệp này mà bốc cơm ăn. Phải sử dụng cái ý tưởng không thọ nhận, mới
thọ nhận thức ăn. Vào xóm làng, phải tưởng như đến chỗ không người. Thấy sắc mà
như đui. Nghe thanh như nghe vang. Ngưởi hương như hít gió. Nếm vị nhưng không
phân biệt. Thọ xúc như trí chứng. Biết tướng của các pháp như huyễn, xưa vốn
không sanh cho nên nay không có diệt".
Khi đi luôn giữ
chánh niệm
Khi đi vị Khất sĩ không ngó
qua ngó lại, không được mở miệng nói chuyện, đi hết bảy nhà nếu không ai cúng
dường cũng phải trở về với bát không và không ăn ngày hôm đó. Khi đi khất thực, vị khất sĩ cũng không được để ý xem mình
được cái gì, và cũng không được thỏa mãn cũng như bất mãn. Nếu một người
đàn bà cúng dường đồ ăn, vị Khất sĩ không được nói, nhìn hay quan sát
người ấy đẹp hay xấu. Đồ ăn cúng dường cho Khất sĩ không phải luôn luôn
nhiều hay ngon lành, hay tinh khiết. Các chuyến đi khất thực đôi lúc cũng
có thể gây nên những xáo trộn tình cảm cho các Tỳ-kheo trẻ vì đa số thí chủ là
đàn bà con gái. Do đó, việc tự điều phục thân tâm phải được tăng cường là điều
rất cần thiết trong lúc khất thực, như đức Phật đã nhấn mạnh: “chỉ khi nào
thân tâm được điều phục, thực hành chánh niệm và phòng hộ các căn thì mới đi
vào làng khất thực".
Phật dạy Rahùla giữ chánh
niệm khi đi Khất Thực như sau. "Này
Rahùla, muốn an trú trong chánh niệm, con phải theo dõi bước chân và duy trì
hơi thở, đồng thời theo dõi tâm ý của mình. Trong khi đi khất thực, mình đi vào
thế gian thì không nên đánh mất chánh niệm, mà cần duy trì việc thiền đi. Chúng
sinh được tạo nên năm uẩn, bao gồm sắc, thọ, tường, hành và thức và chúng mang
tính cách vô thường và vô ngã. Thân thể này không phải là ta, không phải của ta
và không phải tự ngã. Cái gì đẹp đẽ nhất cũng phải già nua, tàn lụi và hủy
hoại. Biết được như vậy, mình không bị kẹt vào năm uẩn, không bị thất niệm vì
năm uẩn. Một người biểu diễn xiếc trên dây, người này rất cẩn trọng từng động
tác, từng bước đi để giữ cho thân được cân bằng không bị ngã. Thực tập chánh
niệm giống như người diễn xiếc đi trên dây, chú ý về thân và tâm để không bị xao
động, không bị nghiêng ngã trong lúc bước đi."
Đến cửa ngõ nhà người, phải ngẫm xét cử chỉ
của mình, chẳng đặng mất uy nghi. Cử chỉ tức cử thố, như nhứt động nhứt tịnh,
là nói sự hành động, nói năng cho nết na đằm thắm vậy. “Ngẫm xét” là xem giữ uy
nghi của mình mà khiến cho được rõ ràng trật tự.
Vào xóm làng, phải tưởng như đến chỗ không người.
Vào xóm làng là chỗ náo nhiệt đông
người mà như đến chỗ không người, đồng trống có nghĩa là đừng nên chấp có ta và
có người. Ta cũng không mà người cũng không thì tâm mới thanh tịnh. Nếu còn
thấy có người thì còn phải đối đầu trong thì có nội ma và ngoài thì có ngoại
chướng. Những cám dổ Tham-Sân-Si ái dục phiền não lúc nào cũng là những chướng
ngại để phá hoại công phu tu hành. Vì thế vào xóm làng là đi vào đời để độ đời
chớ đừng để đời lôi cuốn nhận chìm.
Nhà nào không có người đàn ông con trai thì chẳng nên vào ngõ. Không được ngồi dai, không được ngồi cách cửa 1 tầm
tay và không ngồi chỗ khuất.
Vật thực được nhận:
Các
thí chủ chỉ cúng dường những thức ăn đã được nấu sẵn, không cúng dường các vật
liệu chưa làm thành món ăn, như cúng cơm chứ không cúng gạo, cúng món rau xào
chứ không cúng bó rau chưa nấu chín. Nếu chưa đủ dùng, chư vị tiếp tục đi theo
hàng dọc đến nhà bên cạnh nhưng không được quá bảy nhà. Chư vị không được phép
bỏ sót nhà nào, hoặc dành ưu tiên cho phố xá ở các thị trấn phồn thịnh, các gia
chủ giàu hay nghèo đều phải được tạo cơ hội đồng đều để gieo trồng phước duyên,
cũng không muốn gây cảm tưởng là chư vị ham thích những khu phố giàu có vì thức
ăn ngon hơn.
Không vì nhiễm tâm tham đắm vật chất mà
khất thực.
Không xin quá nhiều đồ để chứa dư
sẽ
(i)
tạo thêm tánh tham và
(ii)
làm hư hỏng vật thực.
Không nhận thức ăn quá phần.
Không lạm dụng hảo tâm của thí chủ.
Không chứa nhìêu bát tốt.
Không thiếu mà nói thiếu để xin thêm.
Chư Tăng chùa Đại Bi (Trung Hoa) trong bất
kỳ hoàn cảnh nào cũng không thọ nhận tiền bạc của tín thí cúng dường.
Pháp Thọ Trai
Khi
thấy đủ thức ăn, các vị trở về tịnh xá để ăn trước khi mặt trời đứng bóng. Đây
là bữa ăn duy nhất trong ngày. Phải trộn chung các thức ăn với nhau để không
còn phân biệt món nầy món khác, món ngon món dở, không phân biệt mùi
vị rồi mới ăn. Đối với họ ăn để sống chớ không phải chạy theo mùi vị thơm ngon.
Có được như thế thì mới phá nổi cái chấp. Tâm không còn dính mắc thì mới tu
thanh tịnh được.Thông thường thức ăn được phân ra làm bốn phần: một phần nhường
lại cho các bạn đồng tu nếu thấy họ không có hay có ít, một phần san sẻ cho
người nghèo, một phần dành cho loại chúng sinh không phải là người nhưng sống
chung với người và cuối cùng còn lại là phần mình dùng. Khi thọ dụng thức ăn
các vị Tỷ kheo xem như là việc uống thuốc để duy trì sự sống mà tu hành, ngon
không ham, dở không bỏ. Thọ dụng cúng phẩm của người đời vừa khỏi đói khát thì
thôi, không được ham cầu cho nhiều, phá vỡ thiện niệm của họ.
Cách ăn bình đẳng
Trong kinh Duy Ma Cật,
ngài Duy Ma Cật nói với tôn giả Ca Diếp :
Ăn bằng cách như vậy, sẽ
không có phiền não cũng không rời phiền não. Không dụng ý nhập định cũng không
dụng ý xả định. Không trụ thế gian cũng không trụ Niết bàn. Người thí chủ không
có phước lớn cũng không có phước nhỏ, không thêm công đức cũng chẳng mất công
đức. Đây là con đường vào Phật đạo thừa chân chánh, không chờn vờn khập khiểng
ở cỗ xe bé bỏng của Thanh văn.
Các câu nầy đều tiến về cái nhất tướng
bình đẳng để không còn có phiền não hay thoát ly phiền não. Cũng không có nhập
định và xuất định và dĩ nhiên cũng không có trụ thế gian và trụ Niết bàn. Khi
đã tới chỗ bình đẳng thì tất cả tuy hai nhưng mà một. Ngay cả cái nhìn đối với
người thí chủ bây giờ cũng rất bình đẳng cho nên họ cũng chẳng có phước lớn hay
phước nhỏ và công đức cũng chẳng thêm mà cũng chẳng mất vì lớn nhỏ, mất còn vốn
bất nhị tức là một. Tâm bình đẳng là tâm Bồ-tát để giúp chúng sinh sớm viên
thành Phật đạo mà không còn kẹt trong vòng phân biệt đối đãi như các vị A La
Hán trong hàng Thanh văn.
Nhằm hoại diệt cái thân tướng hòa hiệp này mà ăn.
Khi ăn con người thường đem món nầy
chấm với món nọ để tăng thêm khẩu vị. Chẳng hạn như đem đậu hủ chấm với tương
thì mặn mà hơn. Cái mà chúng ta nghĩ là mặn mà, ngon miệng hơn chính là sự phát
triển của Thiệt Thức Giới tức là cái biết phân biệt của lưởi. Còn phân biệt là
còn chạy theo vọng trần tức là tăng trưởng tính tham ăn. Mà còn tham là còn
khổ, còn sinh tử luân hồi. Cho nên trước khi ăn, chư Tăng trộn chung tất cả
thức ăn với nhau để không còn phân biệt ngon dở, không còn phân biệt mùi vị tức
là phá tướng hòa hiệp rồi mới ăn.
Phải sử dụng cái ý tưởng không thọ nhận, mới thọ nhận thức ăn.
Không thọ nhận có nghĩa là không lãnh
thọ nhửng cảm xúc do trần cảnh bên ngoài tạo ra, tránh xa những cám dỗ của thế
gian có nghĩa là không thấy thức ăn ngon thì vui, thức ăn dở thì buồn mà phải
giữ tâm bình đẳng thanh tịnh tức là thí chủ cúng gì cũng vui vẻ mà nhận. Thật
ra thì thọ nhận bất cứ sự cúng dường nào của thí chủ từ thức ăn, quần áo, thuốc
men…thì chư Tăng phải coi như là nợ của thí chủ. Nếu không dụng tâm tu hành
chân chánh và đem pháp thí đền bù lại thì làm sao trả nổi món nợ nầy. Có thấu
hiểu như vậy mới dám thọ nhận thức ăn.
Như vậy nếu đứng về Sự Tướng thì thấy
có người cúng dường và kẻ thọ nhận thức ăn. Nhưng dựa theo Lý Tánh thì không có
người cho mà cũng chẳng có kẻ nhận. Do đó Lý Tánh là bên trong nên không thấy
có nhận mà Sự Tướng bề ngoài thì có nhận thức ăn để làm phước điền cho chúng
sinh.
Thấy sắc mà như đui. Nghe thanh như nghe vang. Ngưởi hương như hít gió.
Nếm vị nhưng không phân biệt.
Khi lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân
và ý) tiếp xúc với lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) thì tâm phát
sinh trí phân biệt. Chẳng hạn như khi mắt thấy cái nhà thì tâm liền phân biệt
là nhà nầy thì lớn hay nhỏ, đẹp hay xấu…Tai mỗi khi nghe tiếng khen thì thích
nghe tiếng chê thì buồn. Lưỡi nếm mùi vị thơm ngon thì khoái ăn, muốn ăn cho
nhiều còn nếu nếm mùi vị đắng, tanh hôi thì khạc nhổ, bực mình khó chịu. Vì thế
nếu mắt thấy sắc mà như đui, tai nghe âm thanh mà như điếc…thì tâm không còn
phân biệt đẹp xấu, ngon dở…, không còn chấp trước, không luyến theo trần cảnh,
không ưa, không ghét, không tham, không đắm và đây chính là sống với pháp bình
đẳng vậy. Cho nên trong kinh Kim Cang cũng có câu:”Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ
tâm”. Lục căn tiếp xúc lục trần sinh ra lục thức mà căn, trần và thức đều là
duyên giả hợp nên tất cả là vô thường vô ngã. Khi lưỡi chúng ta nếm một món ăn
nào thì dĩ nhiên lưỡi biết thức ăn đó là ngon hay dở vì phản ứng của trực giác
nhưng không phân biệt theo Phật giáo có nghĩa là tuy lưỡi nếm vị ngon biết ngon
vị dở biết dở nhưng đừng để tâm phát khởi ý niệm để luyến theo cái ngon và chán
ghét cái dở thì đây cũng như nếm mà không biết mùi vị là vậy.
Thọ xúc như trí chứng. Biết tướng của các pháp như huyễn, xưa vốn không
sanh cho nên nay không có diệt.
Như trí chứng là trí thật, là chân lý. Khi có sự
xúc chạm thì phát sinh ra cảm giác. Mà cảm giác là có vui, có buồn, có thích,
có chán và đây chính là hệ quả của tình cảm mông lung của con người đưa đến
phiền não khổ đau. Bây giờ con người cũng cảm thọ những cảm xúc đó mà không
chạy theo tình cảm mà quay về với cái trí chứng như thật. Bởi vì tất cả cái xúc
chạm chúng ta đều thấy nó như là huyễn hóa, không có thật cho nên tâm sẽ không
còn ô nhiễm. Vì các pháp là huyễn, không thật, không tự tánh tức là Không.
Sau khi ăn
Sau bữa ăn, các vị hành giả rửa bát,
xếp gọn các y, ngơi nghỉ trong chốc lát, liền lại đến một gốc cây hay căn nhà
trống, hay tịnh thất ngồi thiền định như hành Tứ niệm xứ hay niệm hơi thở vào,
hơi thở ra.
Tk Minh Tâm