Friday, November 5, 2010

Vai Trò Người Phụ Nữ Trong Phật Giáo - ngày 6 tháng 11 năm 2010



Đề Tài : Vai Trò Người Phụ Nữ Trong Phật Giáo
Ngày: 6 November 2010
Giờ: 5.30PM VietNam 9.30PM Sydney
Giảng đường: Đạo Phật Vào Đời - Paltalk Online
Giảng Sư: Thích Minh Tâm


Tóm tắt:



Trước thời Đức Phật, người phụ nữ không được hưởng tự do đầy đủ và không được có cơ hội để phát triển khả năng tinh thần và bẩm tánh đạo đức của mình. Giai cấp bà la môn (brahmin) vẫn giữ toàn thể dân Ấn trong bàn tay sắt của họ, dìm thấp người phụ nữ xuống hàng tôi đòi hay nô lệ. Người đàn bà không có quyền gì riêng của mình, không tự do ăn nói, và được xem là không xứng đáng được hưởng bất luận gì cao hơn là hàng tôi tớ của chồng, của cha hay của anh. Nữ giới không bao giờ được sắp ngang hàng với nam giới trong xã hội. Ở Ấn Độ, vào thời xưa cũng như còn ở nhiều nơi ngày nay, sanh con gái là thêm một trở ngại, một bất hạnh trong gia đình.

Theo sách Manusmrti, The Laws of Manu, một quy luật để hướng đạo số phận của cuộc sống trong xã hội Ấn Độ thời xưa mà nhà luật nổi tiếng Manu đã ban hành, hôn nhân là tăng cường những ràng buộc cột trói người đàn bà trong vòng nô lệ, siết chặt trọn cuộc đời vào người đàn ông – là một phần của chồng, là người làm công, người giúp việc để phục vụ chồng.


Trái lại, Đức Phật không coi rẻ phẩm giá của người phụ nữ mà chỉ ghi nhận bẩm chất yếu đuối của họ. Ngài nhìn nhận có thiên tánh trong cả hai giới, nam và nữ, và trong giáo huấn Ngài đặt mỗi giới vào đúng vị trí của nó. Nam hay nữ không phải là một trở ngại việc thanh lọc thân tâm hay trong công trình phục vụ độ tha.

Đôi khi, để chỉ người đàn bà, phạn ngữ (Pali) có danh từ "matugama" nghĩa là "hạnh làm mẹ" hay "xã hội những bà mẹ". Là mẹ, người phụ nữ được hưởng danh dự xứng đáng trong Phật Giáo. Bà mẹ được xem là cây thang thích nghi để con cái nương theo đó mà lên tận những cảnh trời. Vợ hiền là người bạn chí thân của chồng (parama sakha).

Thoạt tiên Ngài từ chối, không chấp nhận nữ giới vào Giáo Hội, nhưng về sau , do lời thỉnh cầu tha thiết của Đức Ananda và của bà Maha Pajapati, kế mẫu Ngài, Đức Phật cho phép thành lập Giáo Hội Tỳ Khưu Ni (nữ tu sĩ). Như vậy, Đức Phật là người đầu tiên sáng lập một đoàn thể phụ nữ có giới luật và kỹ cương đầy đủ.


Đối với người phụ nữ bị ngược đãi đủ điều trước thời Đức Thế Tôn, sự thành lập Giáo Hội Tỳ Khưu Ni chắc chắn là một phước lành. Trong Giáo Hội nầy, các bà hoàng hậu, công chúa, các tiểu thơ trong hàng quý tộc, các mệnh phụ phu nhân, những bà mẹ khổ đau, những người phụ nữ thân cô, chí đến hạng gái giang hồ, bất luận ở đẳng cấp nào trong xã hội, đều tụ hợp nhau lại, ôn hòa và vui vẽ, cùng nhau đồng hưởng và đồng hấp thụ không khí tự do bình đẳng, khác hẳn với nếp sống lầu son gác tía và cung vàng điện ngọc. Có rất nhiều người, theo lẽ thông thường ắt phải mãi mãi bị lãng quên trong bóng tối, đã tỏ ra lỗi lạc và đã thành tựu mục tiêu giải thoát sau khi tìm nương tựa nơi Giáo Hội.

Cũng như hai vị A La Hán Sariputta (Xá Lợi Phất) và Moggallana (Mục Kiền Liên) là đại đệ tử cai quản Giáo Hội Tỳ Khưu, giáo hội độc thân có tánh cách dân chủ xưa nhất trong lịch sử, hai vị A La Hán Khema và Uppalavanna là đại đệ tử bên phái nữ, cai quản Giáo Hội Tỳ Khưu Ni. Nhiều vị đệ tử khác cũng được Đức Phật liệt vào hàng lỗi lạc và nhiệt thành nhất. Trong những người dòng Vajjian cũng vậy, tánh cách tự do của người phụ nữ được xem là một trong những nguyên do đưa dân tộc này đến trạng thái phồn thịnh. 

Hôm nọ, trong lúc Đức Phật đang nói truyện với vua Kosala thì có tên lính hầu vào báo tin hoàng hậu hạ sanh công chúa. Được tin, vua tỏ vẻ không bằng lòng. Thấy vậy Đức Phật khuyện:

‘Không nên băn khoăn, tâu Đại Vương,

Một bé gái có thể,

Còn tốt hơn con trai,

Vì lớn lên em có thể thông minh và đức hạnh,

Là một người vợ hiền, mẹ chồng em sẽ yêu quý.

Rồi đứa con trai mà em sẽ sanh ra

Có thể làm nên đại sự

Trị vì một lãnh thổ rộng lớn, đúng vậy, con trai

Của bà vợ cao quý trở thành người lãnh đạo quốc gia’.

Trong Phật Giáo, sự khác biệt giữa nam và nữ không phải là một trở ngại để thành tựu mức độ toàn hảo cao thượng nhất. Đề cập đến Bát Chánh Đạo mà Ngài ví như một cổ xe, Đức Phật dạy:

‘Dầu là người nữ, dầu là người nam

Cổ xe cũng vẫn chờ đợi, cùng một chiếc xe ấy

Sẽ đưa vào tận Niết Bàn’ 


Tỳ Khưu Ni Khema, vị đệ tử đứng đầu hàng trong Giáo Hội, trước kia là thứ hậu sinh đẹp của vua Bimbisara (Bình Sa Vương), không chịu gặp Đức Phật vì nghe nói rằng Đức Phật thường nhắc đến sắc đẹp bề ngoài với những lời lẽ không tưng bốc. Ngày kia bà tình cờ đi đến một ngôi chùa để thưởng ngoạn phong cảnh, rồi dần dần vào giảng đường, lúc ấy Đức Phật đang thuyết Pháp. Đọc được tư tưởng của bà, Đức Phật dùng thần thông tạo nên một thiếu nữ sinh đẹp đứng hầu bên cạnh và cầm quạt, quạt Ngài. Bà Khema mãi mê ngắm sắc đẹp tuyệt trần của thiếu nữ. Đức Phật làm cho thiếu nữ biến dần từ trẻ đẹp đến trưởng thành, rồi già nua, tóc bạc răng long, da nhăn, lưng còm và cuối cùng kiệt sức, té quỵ xuống đất.

Chỉ đến lúc ấy bà Khema mới nhận định tánh cách phú du tạm bợ của sắc đẹp bề ngoài và bản chất vô thường của đời sống. Bà nghĩ: "Thân hình sinh tươi đẹp đễ kia phút chốc đã trở nên héo tàn hư hoại dường ấy. Vậy thì hình dáng mỹ miều của ta sẽ tàn tạ có khác gì?"

Thấu hiểu ý nghĩ thần kín ấy, Đức Phật khuyên bà:
"Người khứng làm nô lệ cho tham dục sẽ lăn trôi theo dòng,
Giống như loài ruồi muỗi bị cuốn quấn trong mạng nhện.
Nhưng, quả thật thảnh thơi,
Người đã cắt lìa tất cả những trói buộc,
Tâm tư hướng về nơi khác, không màng thế sự,
và, bỏ lại một bên mọi dục lạc của ngũ trần.
Về sau bà Khema đắc quả A La Hán và, với sự đồng ý của đức vua, bà xuất gia Tỳ Khưu Ni và được liệt vào hàng cao kiến nhất trong Giáo Hội.

Bà Patacara vừa mất hai con, chồng, cha, mẹ, và anh trong một trường hợp thê thảm, tâm lực của Đức Phật dẫn dắt đến Ngài. Sau khi nghe lời khuyên dạy êm dịu của Ngài bà đắc Quả Tu Đà Hườn và xin xuất gia. Ngày nọ, xuống suối rửa chân, bà ghi nhận rằng khi rút chân lên có những giọt nườc từ chân liên tiếp gieo điểm xuống dòng suối, trôi đi một đổi, rồi tan mất. Có những giọt trôi xa hơn nữa, nhưng rồi cũng tan mất. Bà suy nghĩ: "Cùng dường thế ấy, tất cả chúng sanh đều phải chết. Người lúc thiếu thời, người đã trưởng thành, cũng có người lúc tuổi thọ đã cao, nhưng tất cả đều phải chết."

Đức Phật đọc tư tưởng ấy, biến hình xuất hiện trước mặt bà và thuyết giảng một thời Pháp. Khi nghe xong bà đắc quả A La Hán. Về sau bà trở thành một nguồn an ủi cho nhiều bà mẹ bất hạnh.
Hai bà Dhammadinna và Bhadda Kapilani là hai vị Tỳ Khưu Ni được biệt danh là chú giải Giáo Pháp.

Để giải đáp cho Mara (Ma Vương), chính Tỳ Khưu Ni Soma  đã ghi nhận:
"Bên trong một người phụ nữ có tâm vững chắc và tri kiến cao thượng, bản chất người phụ nữ có ảnh hưởng gì đến quyền tìm hiểu Giáo Pháp? Người còn ôm ấp mối hoài nghi về câu hỏi: "Trong những vấn đề nầy ta có phải là đàn bà không? Hay ta là đàn ông, hay như vậy, ta là gì khác? - Đó là con người thích nghi để nói chuyện với ma vương Tâm Ác."

Trong hành tín nữ cũng có nhiều vị lỗi lạc với tâm đạo nhiệt thành, lòng quảng đại bố thí, kiến thức sâu rộng và tâm từ.

Bà Visakha là vị đại thí chủ của Giáo Hội đứng đầu trong hàng thuần thánh chân chánh.
Bà Suppiya, một tín nữ giàu lòng mộ đạo khác, vì không thể tìm ra thịt ở chợ, cắt một miếng ở đùi mình để nấu bát cháo dâng lên một vị tỳ khưu đang đau ốm.

Bà Nakulamata là một người vợ trung thành đã cứu được chồng ra khỏi bàn tay tử thần nhờ đọc lại phẩm hạnh của mình.

Samavati là một bà hoàng hậu sùng đạo dễ mến, mặc dầu bị thiêu đốt, bà không tỏ ý oán giận, trái lại, còn rải tâm từ cho người chủ mưu hại mình.

Hoàng hậu Mallika nhiều lần có thể gián và khuyên giải chồng là vua Pasenadi.
Một tỳ nữ Khujjuttara, giảng giải Giáo Pháp và cảm hóa được nhiều người.

Bà Punabbasumata, có lòng muốn nghe Pháp nhưng còn phải dỗ ngủ đứa con đang khóc cho nó nín rồi mới đi được. Bà ru con:
"Nín đi con, bé Uttara! Hãy ngủ đi
Punabbasu, để mẹ được đi nghe Giáo Pháp
Mà bậc tôn sư,bậc trí tuệ nhất thế gian truyền dạy
Mẹ rất yêu mến con của mẹ
Và cũng hết lòng quý trọng cha con.
Nhưng mẹ càng yêu quý hơn nữa
Giáo lý cao siêu đã vạch ra con đường" [12]

Một bà mẹ có nhiều nghĩ ngợi suy tư khác vừa mất đứa con duy nhất. Nhưng bà không than khóc như người thường. Có người hỏi tại sao, bà đáp:

"Nó đến đây một mình, không ai kêu gọi,
Và sớm ra đi, cũng một mình, không ai mời mọc.
Đến như thế nào, nó ra đi cùng thế ấy.
Vậy thì ở đây có lý do gì để sầu muộn?"

Hai bà Sumana và Subhadda có những đức tánh gương mẩu và hết lòng đặt niềm tin nơi Đức Phật.




Những bài trong bộ Anguttara Nikaya (Tăng Nhứt A Hàm)  và Samyutta Nikaya (Tạp A Hàm) để nhận định đến mức nào đấng Toàn Giác đã chú trọng đến tình trạng an lành của ‘xã hội các bà mẹ’. Theo Đức Phật, tất cả mọi tiến bộ và mọi thành tựu, tại thế cũng như siêu thế, đều nằm trong tầm khả năng của người phụ nữ cư sĩ sống với nếp sống trong gia đình và theo những khuynh hướng đạo đức của người tại gia, miễn là người ấy thực hành theo lời dạy của Đức Phật.



Những phẩm hạnh đem lại tình trạng an lành cho người phụ nữ trong cả hai, thế gian này và cảnh giới về sau, đã được Đức Phật ban hành như sau:

1. Tâm đạo nhiệt thành

2. Biết hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi

3. Không dể duôi, buông xuôi theo chiều hướng độc hiểm, thù oán và sân hận

4. Không ganh tỵ

5. Không keo kiết bỏn xẻn mà quảng đại rộng rãi

6. Đức hạnh trong sạch

7. Sóng cuộc đời đạo đức và thích hợp với thuần phong mỹ tục

8. Trau giồi học vấn và kiến thức thâm sâu

9. Hăng say và nhiệt thành

10. Cảnh giác và lanh trí

11. Sáng suốt và khôn ngoan

Một thiếu nữ mà có những phẩm hạnh như trên đã vững chắc tiến bước trên con đường an lành và hạnh phúc.


Dầu sao, Đức Phật vạch rõ những yếu kém và khuyết điểm của hàng phụ nữ, không phải để chế nhạo và chê cười là thua sút, mà Ngài nhắm đến mục tiêu cao quý là giúp họ nhận định những khó khăn gây trở ngại cho những nỗ lực thành tựu mục tiêu của mình và khuyến khích họ thận trọng canh phòng các cuộc tấn công của những khát vọng và các cuộc đột kích của những cám dỗ.

Có lời dạy rằng những thích thú của năm giác quan - sắc, thinh, hương, vị, xúc vốn làm say mê và cám dỗ người nam - đều tập trung và kết tinh trong hình dáng người đàn bà.   Với năng lực làm say đắm mê hồn ấy người đàn bà có thể nô lệ hoá và đặt người đàn ông dưới quyền thống trị của mình.

Người ta thường nói rằng người phụ nữ cám dổ và lôi cuốn con người dể duôi buông lung bằng những cái liếc mắc, những nụ cười duyên, những dáng điệu yêu đương, bằng cách thân mến chăm nom chải chuốt (duni-vatthena) và bằng những lời quyến rũ dịu dàng dễ mến.

Bộ kinh Angutara Nikaya, Tăng Nhứt A Hàm, mở đầu như sau: ‘Này chư tỳ khưu, Như Lai không biết một hình thể nào khác chiếm đoạt quả tim người đàn ông như bóng dáng của người đàn bà.  Này chư tỳ khưu, hình dáng của người phụ nữ làm cho tâm trí người nam đắm đuối say mê’.

‘Như Lai không biết một âm thanh...
Như Lai không biết một hương thơm...
Như Lai không biết một mùi vị...
Như Lai không biết một sự đụng chạm nào...
mà có thể làm đắm đuối say mê và giam cầm quả tim người nam như âm thanh, hương thơm, mùi vị và sự đụng chạm của một người đàn bà.  Tiếng nói, hương thơm, mùi vị và sự đụng chạm với người phụ nữ chiếm đầy tâm trí người nam.

‘Này chư tỳ khưu, Như Lai không biết sắc, thinh, hương, vị, xúc nào khác mà làm cho quả tim người đàn ông hoàn toàn đắm đuối say mê trước những quyến rũ và cảm xúc ấy’.

Nơi đây có một thời nói Pháp về sự thân cận nam nữ và năng lực không thể cưỡng của nó được diễn đạt trong một ngôn ngữ giản dị và không thể nhầm lẫn, chân lý mà không người biết lẽ phải nào có thể dám phủ nhận.  Sự gần gũi giữa nam và nữ được Đức Phật xem là dục vọng hùng mạnh nhất, là bản năng có sức mạnh hùng hậu nhất của con người.   Nếu ta để cho tình dục lôi cuốn, trở thành người bị trói buộc, người nô lệ của những dục vọng, người hoàn toàn tự hảm mình trong cạm bẩy, tự hiến mình vào nanh vuốt của mê hoặc - thì con người dũng mãnh nhất cũng trở thành như loài sâu bọ thế cô; một người thánh thiện sáng suốt cũng hành động như điên cuồng khờ dại, chí đến một hành giả đã thành đạt những từng thiền cao cũng có thể rơi xuống thâm sâu trong những khổ cảnh trần gian.

‘Không có lửa nào như tham ái,
Khát vọng không tàn lụi, nó bừng cháy’.

Đó là lời của Đức Phật về những cảm xúc của tình dục.  Nhưng ta phải nhớ rằng Đức Phật không khinh rẻ, không có ý làm tổn hại danh dự, suy giảm giá trị của nữ giới.   Ngài chỉ nêu lên tâm tánh yếu mềm và tình trạng mỏng manh của người nữ và muốn họ cảnh giác đề phòng.  Đàng khác Ngài thấm nhuần và in sâu vào lòng họ bài học tự mình uốn nắn tâm tánh và sửa đổi tác phong để thành một nguồn an ủi và sức mạnh của nhân loại.

Nói về người phụ nữ Đức Phật vắn tắt phê bình: ‘Tác phong dể duôi hay kém đạo đức là ô nhiễm của người phụ nữ’.  Nhưng một lần nữa Đức Thế Tôn khẳng định rõ ràng ‘Người tốt nhất trong những bà vợ hiền là người làm vui lòng chồng’, và ở một nơi khác Ngài ghi nhận ‘Vợ là bạn hiền tốt nhất’.  

Một cách vắn tắt, đó là vị trí của nữ giới trong Phật Giáo.  Người phụ nữ xứng đáng có một chỗ đứng danh dự ngang hàng với nam giới, về phương diện khả năng và thành đạt mục tiêu Niết Bàn, và trên nấc thang thành tựu của nhân loại, có khả năng đạt đến mức tột đỉnh mà người nam có thể đến.

Trong mọi lãnh vực nỗ lực của nhân loại, người nam không có gì hơn người nữ, nhưng cùng lúc Đức Phật nhìn nhận khuyết điểm dính liền theo nữ tính, khuynh hướng nhẹ dạ và thiên tánh yếu mềm của người phụ nữ dễ dàng rơi vào đường tội lỗi, dễ bĩ khuyến dụ đi trên con đường kém đạo đức, và vốn là một vị thầy luân lý vĩ đại - là vị thầy vĩ đại nhất trong lịch sử loài người - Ngài gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, chỉ vạch những dấu hiệu hiểm nguy trên con đường tiến bộ của các bà.

Mối lo âu chánh của Đức Phật là phục hưng tinh thần đạo đức và luân lý cho tất cả mọi người, nam và nữ; là giải thoát họ ra khỏi những trói buộc vô cùng tận của vòng luân hồi và đưa họ đến hạnh phúc trường cửu của Niết Bàn.   

Suốt đời Ngài không bao giờ xen vào những tổ chức của chánh quyền; Ngài không bao giờ nhúng tay vào những vấn đề  chánh trị nhưng dầu sao, không thể phủ nhận và luận bàn, rằng trong khi tuyên ngôn bức thông điệp vĩnh cửu về sự giải thoát nhân loại, cùng lúc ấy, vì lý do cao cả của giáo huấn tuyệt luân, Ngài đã đem lại tiến bộ xã hội đáng ghi nhớ và sự giác ngộ chánh trị cho toàn thể nhân loại, duy nhất trong lịch sử thế giới.  Những chuyện tích thuật lại dưới đây cho thấy rằng giáo huấn tuyệt vời của Đức Phật đã có một ảnh hưởng thấm nhuần sâu xa vào đời sống của hàng phụ nữ trong thời Ngài .

Hầu hết tất cả những tích chuyện này đều được phiên dịch từ kinh điển và các Bản Chú Giải Pali.  

Xin xem tiếp những chuyện tích thuật của các Tỳ Khưu Ni vào thời Đức Phật, qua các bài sau đây cũng trong trang phụ nữ:

1. Người Phụ Nữ Vĩ Đại Nhất, Maha Pajapati Gotami,
2. Người Con Gái Chăn Đà La
3. Mắt Người Trinh Nữ
4. Kisagotami, Bà Mẹ Khổ Đau
5. Người Con Gái Thợ Dệt
6. Upagupta và Cô Gái Nhảy
7. Kundala Kesa (Cô Gái Tóc Quăn)
8. Một Trường Hợp Thay Hình Đổi Dạng
9. Dhammadinna, Vị Pháp Sư và
10. Visakha, Vị Đại Thí Chủ của Đức Phật.




Sources:


Vi Trí của người phụ nữ trong phật giáo


Vị Trí Của Hàng Phụ Nữ Trong Phật Giáo - Đai Tạng Kinh - Phạm Kim Khánh dịch



GIA QUYẾN TU ÐÀ CẤP CÔ ÐỘC (Sunama)

Phật Giáo và Hàng Phụ Nữ Phạm Kim Khánh dịch

No comments:

Post a Comment