Thursday, May 10, 2018

NÔỈ LÒNG NGÀI ANAN-Kinh Thủ Lăng Nghiêm


NÔỈ LÒNG NGÀI ANAN-Kinh Thủ Lăng Nghiêm
sư Thích Minh Tâm , giảng ngày 11-10-2011 Úc châu

          Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
          Kính thưa Chư vị, kinh Thủ Lăng Nghiêm là bộ kinh tối thượng thừa. Tại sao thế? Tại vì nơi ấy Đức Thế Tôn đã chỉ rõ cho các hành gỉa, chúng ta  tu Phật, tức tâm tức Phật. Cho nên hễ nhìn thấy tâm, thấy được tánh thì ngay chổ ấy bước vào ngay cổng chùa, còn nếu không thấy thì trôi lăn trong 3 cõi 6 đường làm 12 loài chúng , từ thấp sanh, hóa sanh cho tới 50 ấm cũng đều do nơi vọng tưởng đìên đảo khởi sinh mà ra. Các vọng tưởng điên đảo ấy đều từ nơi căn, trần, thức, vướng nhiễm vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, mà nẩy sinh ra.
          Kính thưa Chư vị, chúng ta cũng biết đầu dây mối nhợ, hể nói đến kinh Thủ Lăng Nghiêm thì mọi người lập tức nghĩ ngay tới Ma Đăng Gìa phải không thưa Chư vị. Ai nghe đến Thủ Lăng Nghiêm đều nói tới duyên sự là do Ma Đăng Gìa quyến rũ ngài Anan. Cho nên ngài Anan bị mắc nạn và Đức Thế Tôn mới đem chú Lăng Nghiêm ra giải vây và đem về, ngài Anan hối hận và khóc lóc. Rồi từ nơi ấy chúng ta mới có bộ Kinh Thủ Lăng Nghiêm, gọi là bộ kinh tối thượng thừa vì chỉ thẳng nơi cái tâm của người hành giả. Nếu người hành giả thấy được cái tâm của mình và thấy được rằng vạn pháp đều do tâm như trong kinh Hoa Nghiêm đã nói : Tâm dẫn đầu các pháp, hoặc kinh Pháp cú cũng nói: Ý dẫn đầu các pháp . Nếu người hành giả thấy được rõ Ý dẫn đầu các pháp thì Ý đó cũng là huyễn, tại vì Ý đó do duyên sanh. Biết rằng Ý như huyễn thì lập tức không chạy theo bắt bóng. Vì không ai bắt bóng đuợc. Quý vị có ai bắt bóng trăng được không?
         Thế thì khi người hành giả thấy được thật tướng của các pháp thì an nhiên tự tại, bát phong không suy động và ngay chổ ấy giống như Long Nữ (kinh Pháp Hoa) trong một sát na ngồi tòa sen. Đấy vi diệu là ở chổ đó. Thế thì chúng ta mỗi lần nghe nói đến kinh Thủ Lăng Nghiêm là lập tức chúng ta có ấn tượng Ma Đăng Già. Ở trong Đạo tràng này chắc chắn cho tới giờ phút này hễ nói tới kinh Thủ Lăng Nghiêm là Quý vị nghĩ ngay cái đầu tiên là Ma Đăng Già. Con gái Ma đăng Già dùng chú thuật khuyến rũ ngài Anan. Có nhiều vị đã lo lắng nhắn gởi với chúng tôi: Thầy ơi rủi mà con đi lang thang ở đâu đó, Campuchia hay là bên Lào, rủi có cô nào đẹp đẹp xinh xinh có bùa ngãi bắt cóc con thì sao? Ui chu choa hạnh phúc thay có những người lo lắng bị bắt cóc. Ở trong Đạo tràng này có bao nhiêu vị lo sẽ bị Ma Đăng Già bắt cóc không? Nếu tâm không định thì dễ bị chú thuật của tà ma ngoại đạo xâm nhập. Chỉ khi nào người hành gỉa tu tập tới nơi tới chốn, tâm không còn động, bát phong không suy động, nhất (một) cảnh không khởi lên vọng thì ngay chổ ấy thoát ra, không có bùa ma, bùa quỷ làm gì được. Tại vì ngay lúc ấy chúng ta đã sống trong bản thể thanh tịnh tức là chúng ta đã sống trong Phật tánh. Con Phật sống trong Phật tánh, tức tâm tức Phật thì làm sao có ma quỷ làm gì mình được phải không? Chúng ta đã học về Ma Đăng Gìa nhiều lắm rồi, nào là Nước mắt Ma Đăng Già, Sám hối cuả Ma Đăng Già, rồi Duyên sự Ma Đăng Gìa… Chúng ta học hết rồi, cho tới ngày hôm nay Quý vị biết Ma Đăng Già là ai không?
          Con gái Ma Đăng Già quyến rũ ngài Anan là ẩn dụ cái gì? Đạo tràng đã học hơn một năm mà có ai biết không? Không phải tánh dâm, không phải sắc trần, không phải tâm động….. Ẩn dụ trong kinh Lăng Nghiêm nói cái gì về con gái Ma Đăng Già…. Chân tâm cũng chưa đúng. Tại vì cô ấy nhìn thấy con mắt của ngài Anan mà khởi tâm ưa thích say mê, khi ý đã khởi lên thì ý đó là gì? Cô con gái Ma Đăng Gìa, đúng ra là chân tâm nhưng khi khởi lên cái ý ưa thích đôi mắt của ngài Anan cho nên say mê đắm đuối. Đúng, đó là vọng tâm. Vọng tâm tức là diệu tâm , tức là nó không còn chân tâm nữa. Nó là thể sóng -sóng và nước- thì nó là sóng không còn là nước nữa. Cô con gái Ma Đăng Gìa mê mẫn con mắt của ngài Anan, tức là nói Chân tâm của chúng ta khi chạy theo cảnh thì gọi là vọng, mà vọng ấy không phải là vọng không. thêm một chữ nữa theo chữ vọng là ….. vọng tưởng. Vì có tưởng mà thêm vọng nữa nên năng lượng thúc đẩy cho cái tưởng ấy hoàn thành chu kỳ của nó, tiến hóa của nó. Có nghĩa là 12 loài chúng sanh từ nơi ấy mà sanh ra, 3 cõi 6 dường cũng từ nơi ấy mà sanh ra. Tức là mượn cớ để nói vậy thôi chứ làm gì có cô con gái Ma Đăng Già , cũng như không bao giờ có chuyện Tề Thiên Đại Thánh, Ngộ Không ở trong cục đá nhẩy ra làm con khỉ rồi bay lên cung trời phá lung tung. Cái đó là hư cấu do tưởng tượng, mượn cớ như vậy để chỉ cho chúng sanh cái vọng tưởng chứ không có cô con gái Ma Đăng Già thật tế đâu. Các ngài  nói ra câu chuyện như thế vá để lại bộ kinh cho chúng ta học. Tại vì tâm các ngài biết được  chúng sanh về đời sau này ham đa văn, ham cảnh mà quên đi Chân tâm thường trụ .Cho nên  các ngài vì tâm từ mới tìm mọi cách để nói cho chúng ta nghe. Nói cao, nói thấp, nói kiểu này, nói kiểu kia chúng sanh không nghe. Nhưng nói về tánh dâm thì chúng sanh lại ham nghe, cũng như nói tu học thì khó nhưng làm con Tôn Ngộ Không bay nhảy thì chúng sanh hiểu ngay, cho nên các ngài rất thiện xảo, dùng phương tiện giaó hoá chúng sanh. Chúng nghe ta nói đến cô con gái Ma Đăng Già thì chúng ta nghiên cứu, rồi chúng ta tìm ra. Thế thì tất cả những cái đó chỉ là cái cớ để các ngài nói mà thôi chứ làm gì có cô con gái Ma Đăng Già nào đâu. Thế thì chúng ta biết dứt khoát chẳng có cô con gái Ma Đăng Già nào cả. Chúng tôi đã đưa ra bài giảng gọi là Thạch nữ sanh con, tại vì Quý vị không đoạt ý mà Quý vị nắm lời, nắm chữ không hiểu ý nên chúng tôi phải nói thẳng ra Thạch nữ sanh con tức là Ma Đăng Già không có thật. Cô con gái Ma Đăng Già cũng chẳng có thật. Chẳng qua mượn cớ để chỉ cho chúng sanh biết ở đâu là tâm vọng, ở đâu là chân tâm. Sống trong chân tâm, sống trong bản thể thanh tịnh của mình thì đó là Phật tánh, đó là khát ăn đói uống mệt ngủ khì, đó là thanh tịnh, đó là Niết bàn, đó là Cực Lạc. Còn nếu không sống đuợc với bản thể thanh tịnh, hằng ngày lăng xăng vọng tưởng thì 3 cõi 6 đường cứ thế mà trôi lăn, 12 loại chúng sanh thấp sanh hoá sanh…..cứ thế mà đầu thai.
          Kính thưa Chư vị, như vậy chúng ta biết dứt khoát là Ma Đăng Già chẳng có mà cô con gái Ma Đăng Già cũng chẳng có thật, giống như Thạch nữ sanh con mà Thạch nữ sanh con làm gì có thật cho nên chuyện ấy cũng không có luôn. Thật sự ra cô con gái Ma Đăng Già nói là chân tâm , nhưng chân tâm chạy theo con mắt của ngài Anan, chạy theo bóng sắc, nên mê mẫn, phải dùng bùa chú (theo kinh sách) để dụ dỗ ngài Anan. Cô con gái Ma Đăng Già là không có thật, vậy nêú bỏ cô con gái Ma Đăng Già thì ai là người đóng vai chính trong tấm tuồng Thủ Lăng Nghiêm?  Đáng lẽ cô con gái Ma Đăng Già là vai chính nhưng nay đã bỏ đi rồi thì là ai?
           Kính thưa Chư vị như vậy có phải ngài Anan không? Ngài Anan đóng vai chánh trong tấn tuồng sân khấu và tấn tuồng ấy có tên Thủ Lăng Nghiêm. Tấn tuồng đó nói thẳng về cái tâm của chúng ta là ở đâu? Thế thì hôm nay chúng ta học đề tài Nỗi lòng ngày Anan, tức là vai chánh. Tại sao ngài Anan đóng vai đó thưa Quý vị. Đóng vai đó đâu có vui, người ta lúc nào nhớ đến ngài Anan người ta đều nhớ đến Ma Đăng Già, tai tiếng cũng dữ lắm phải không Chư vị? Bởi vì khi nói đến ngài Anan người ta cười sằng sặc lên nghĩ ngay: Ấy, Ma Đăng Già quyến rũ ngài Anan, dân chúng đều nói như thế. Thế thì ngài Anan có biết không? Biết chứ, ngài là Thánh tăng nên biết chứ, biết từ bao nhiêu kiếp trước. Bây giờ chúng tôi ngưng giảng 5 phút và xin Quý vị lên nói lịch sử của ngài Anan một cách vắn tắt trước khi chúng ta phân tích nỗi lòng ngài Anan. Ngài Anan là ai? Xuất thân từ đâu? Giàu hay nghèo? Tại sao đi tu? Hiện đứng vai trò nào trong tăng đoàn? Ở trong tăng đoàn ngài đứng vai trò nào?.....  Để tri ân ngài Anan mà chúng ta có bộ kinh rất thù thắng tối vi diệu phải không thưa Chư vị?.....
          Pt Heidi: Ngài Anan sanh vào ngày Phật thành đạo là ngày rất vui mừng cho nên có cái tên là Khánh Hỷ, em của Đề Bà Đạt Đa. Ngài xuất gia vì thấy Phật có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, Ngài học rộng hiểu nhiều nên Đức Phật chọn Ngài làm thị giả trong khi rất nhiều đại Alahan giỏi hơn. Vì ham học nên Ngài Anan chưa chứng quả cho đến khi Phật nhập diệt, ngài Ca Diếp có mời 500 vị kết tập kinh điển, nhưng cố tình không mời Anan và bảo rằng khi nào ngài Anan chứng quả mới được tham dự kết tập. Ngài Anan buồn rầu, suy nghĩ rất nhiều chú tâm học, Ngài chứng quả Alahan khác thường với mọi nguời, không phải lúc đứng đi, ngồi thiền định mà chỉ trong tư thế nghiêng mình Ngài được chứng đắc. Do ngài mà người nữ được đi xuất gia. Bà Di mẫu xin xuất gia nhưng Phật không chấp nhận, và Ngài đã thỉnh cầu Phật. Ngài làm thị giả và đưa ra 8 đìều kiện. Như: khi Phật đi giáo hoá ở đâu mà không có ngài đi thì xin Phật trùng tuyên lại, không nhận vật cúng dường của Phật, nếu có người thỉnh Phật đi đâu thì được sự chấp nhận của ngài Anan…Ngài có nằm mơ thấy sư tử trùng sư tử và kể cho Phật nghe
          A Di Đà Phật, xin tán thán Heidi, nhưng còn thiếu…..mời những vị khác….Chúng ta học Nỗi lòng ngài Anan, vì có ngài Anan nên chúng ta có bộ kinh thù thắng tối thượng thừa để chúng ta tu học.
          Pt Như Huyễn: bổ sung thêm là ngài Anan thuộc dòng Đế Thích, ngài mê 32 tướng tốt và 80 vẽ đẹp của Phật nên đi tu
          A Di Đà Phật , xin tán thán,
          Kính thưa Chư vị, Ngài Anan có đặt thù là trí nhớ rất tuyệt vời. Đức Thế Tôn chỉ cần nói một lần là ngài nhớ và ngài nói lại cho người khàc nghe không sai, kể cả không sai văn tự và cái ý của Đức Thế Tôn. Thứ nhì là Ngài đã chứng Tư đà hoàn khi vào trong tăng đoàn, tức là Ngài đã bước vào dòng Thánh. Có nghĩa là 7 lần sanh thiên, 7 lần còn quay trở lại. Quý vị còn nhớ con số 7 vi diệu không?  Ngài chứng đắc Tư đà hoàn có nghĩa là 6 căn đã viên thông, vượt qua khỏi vướng mắc của 6 căn rồi và cũng không chấp nơi vướng mắc. Tức là Ngài đã vượt qua 6 căn. 6 căn viên thông rồi thì làm gì có chuyện bị cô con gái Ma Đăng Già dụ dỗ, chuyện đó không có, chỉ là hư cấu đặt ra để hấp dẫn chúng sanh. Khi nghe nói như vậy tất cả Đạo tràng đều háo hức muốn nghe Ma Đăng Già mặt mũi ra làm sao? Đẹp hay xấu? Dụ dỗ Ngài Anan kiểu gì? Tức là tò mò đó mà. Như vậy là phan duyên. Từ đầu cho đến ngày hôm nay Quý vị bị Giảng sư gạt thử xem tâm Quý vị có bị phan duyên không? Kể ra nhiều chuyện hấp dẫn, mà Quý vị tranh cải cọ, cái này đúng cái này sai… Có cái nào đúng sai đâu. Vạn pháp đều bình đẳng vốn thanh tịnh, khởi lên phiền não làm chi.
          Ngài Anan sinh trưởng trong một gia đình như thế và có trí nhớ tuyệt vời. Khi ngài vào tăng đoàn đã bước vào dòng Thánh, tâm đã định, đi đứng ngài rất nghiêm trang oai nghi, ma quỷ thấy còn sợ, hà huống gì cô con gái Ma Đăng Già, thấy là phải sợ chứ nói gì con gái đẹp, không thể mê nổi. Vì oai nghi của người đã bước vào dòng Thánh. Con Phật cũng thế, khi Quý vị đi tu tự nhiên tướng chuyển. Người ta nói hữu tâm vô tướng, tuớng tự tâm sanh. Nếu cái tướng có mà tâm không có thì tâm sẽ chuyển tướng và tướng đẹp. Bởi thế cho nên khi ngài Anan tâm đã tịnh rồi thì làm gì có cô con gái Ma Đăng Già khuyến rũ. Nói chơi chơi vậy thôi để hấp dẫn chúng sanh đời sau.Nếu không nói như vậy thì chúng sanh không đọc kinh Thủ Lăng Nghiêm cũng như không bịa câu chuyện Tôn Ngộ Không đi phá cung trời, 72 phép thần thông thì chẳng có ai biết con khỉ đá là cái gì, phải không Quý vị? Cho nên tất cả những cái đó là hư cấu.
          Ngài Anan là thị giả của Đức Phật, ngài có trí nhớ tuyệt vời, ngài đã bước vào dòng Thánh, thân kim sắc rất đẹp, giống như thân Phật chẳng khác gì hết. Nhưng Ngài rất là khiêm cung, hạnh kham nhẫn. Ngài làm cái việc nhớ lại tất cả những lời Đức Thế Tôn giảng và nói lại cho người khác. Suốt cả cuộc đời của ngài, từ lúc gia nhập tăng đoàn cho đến khi ngài mất, ngài chỉ đam mê có một viêc. Quý vị biết việc gì không? Tức là giảng pháp cho chúng sanh những điều mà Phật nói, để chúng sanh tu học tinh tấn, cho được thành tựu , cho chúng sanh thóat ra khổ, thoát ra khỏi sanh tử luân hồi. Ngài chỉ làm việc đó thôi, không làm việc gì khác. Bởi thế cho nên trước khi Đức Thế Tôn nhập Niết Bàn, Ngài hỏi: sau này khi muốn trùng tuyên lại các kinh điển, lời dạy của Đức Phật, con phải khởi đầu như thế nào. Ngài cẩn thận, vì ngài không muốn chúng sanh mê lầm hiểu sai. Đức Thế Tôn dạy: như thị ngã văn nhất thời Phật thuyết – ta nghe như vâỳ một thời Phật nói ở tại…
          Như thị ngã văn chúng tôi đã giảng rồi, Quý vị nghe những bài pháp thoại cũ sẽ biết. Như là Như Lai tạng, mở bày ra, văn là nghe, phản văn, quay trở vào bên trong, nhất thời là một thời, quá khứ hiện tại vị lai không có thật, Phật thuyết, phản văn văn tự kỹ. Như Lai tạng mở ra phơi bày hết. Thế thì khi Đức Thế Tôn Nhập Niết Bàn chuyện gì xảy ra? Người ta đem kim thân của ngài hỏa táng. Hỏa táng xong chuyện gì xảy ra? Có vô số ngọc xá lợi và có bao nhiêu nước đem quân tới đòi chia ngọc xá lợi. Trong khi đó ngài Ca Diếp triệu tập 500 Thánh tăng –Alahan- trùng tuyên lại những lời Đức Phật để lại cho chúng sanh đời sau. Đối với ngài Ca Diếp cũng như những vị Thánh tăng thời đó, kim ngôn của Đức Thế Tôn chính thật là ngọc xá lợi, những viên ngọc bằng đá chỉ để cho người ta tín tâm thôi, không có gía trị đối với các ngài. Đối với các ngài những lời dạy của Đức Phật mới là ngọc xá lợi.
          Cho nên các ngài tập trung 500 vị đại Alahan trùng tuyên những lời Đức Phật dạy đó mới chính thật là ngọc xá lợi. Tại vì nó đưa đến giải thoát, giải thoát rốt ráo. Ngọc xá lợi bằng đá kia không làm cho Quý vị giải thóat rốt ráo đâu, để lên bàn thờ quỳ lạy khởi lên tín tâm thôi, việc giải thoát hay không giải thoát là ở nơi kim ngôn của Đức Phật. Tới đây Quý vị nắm rõ được rồi. Nỗi lòng của ngài Anan, từ lúc Ngài Anan (bài này là bài thứ 6, huyền nghĩa của kinh Thủ Lăng Nghiêm phần cuối rất quan trọng Quý vị lắng nghe) làm thị giả luôn kề cận với Đức Phật, điều đó nói lên cái gì? Có nghĩa là chúng ta muốn tu học theo Đức Phật thì chúng ta không thể xa lià được chánh pháp. Đức Phật tượng trưng cho chánh pháp, vì ngài là kho tàng chánh pháp, chúng ta không thể xa lià chánh pháp, đi theo sát chánh pháp. Những lời dạy của Đức Phật chúng ta đem ra thực tập trong cuộc sống hằng ngày. Ngài Anan cũng thế Đức Phật đi đâu thì ngài đi theo đó, nếu Đức Phật đi mà ngài không đi đuợc thì ngài đều yêu cầu Đức Thế Tôn nói lại cho Ngài nghe. Quý vị có khi nào thấy ngài Anan nói với Đức Phật sau khi khất thực mang bánh trái về cho con không? Không. Ngài mang y về cho con không? Không. Không xin cái gì hết, chỉ xin Đức Thế Tôn từ bi nói lại cho con nghe.  Cái pháp thực đó vô cùng vi diệu, vi diệu hơn các thức ăn nào khác. Ngài Anan biết chắc chắn rằng những liều thuốc đắng đã đưa cho chúng sanh nếu đời sau chúng sanh uống được sẽ hết bịnh. Bịnh đó là bịnh tham, bịnh sân, bịnh si, bịnh sanh tử luân hồi, bịnh khổ đau. Thuốc đó là thuốc giải thoát, uống vào là hết bịnh luôn. Trong Đạo tràng này nhiều lúc Giảng sư cũng cố gắng bắt chước Chư Tổ cho Quý vị uống một vài liều thuốc là lập tức nhảy đong đỏng lên liền, pm (nhắn tin) cho Giảng sư: Thầy cho thuốc đắng quá, trốn luôn không vào Đạo tràng. A Di Đà Phật, có bịnh sắm chết rồi, cho thuốc thì lại chạy không dám uống, nhõng nhẽo như vậy thì làm sao hết bịnh.
          Thứ nhất: Ngài Anan rất là thông tuệ, nhớ dai, tượng trưng ẩn dụ cho cái gì? Ẩn dụ chúng sanh đa văn, nói về văn chương chữ nghĩa thì rất thích, nhưng không có tu cho nên đợi sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn rồi mới chứng đắc Alahan. Ngài không chịu tu, Ngài đa văn nhớ dai lắm, những gì Đức Phật nói Ngài đều nhớ liền, hiểu liền, thâm nhập liền nhưng không chịu hành. Tu mà không hành thì sao? Giống như cái muỗng múc canh. Chúng ta cũng thế, hằng ngày chúng ta nghe pháp mà nếu không đem những điều ấy ra hành trì trong cuộc sống thì chúng ta cũng giống như cái muỗng múc canh mà thôi.
          Thứ nhì: Ngài luôn đi sát Thế Tôn, ẩn dụ luôn đi sát chánh pháp, không xa lìa chánh pháp. Có nghĩa là chúng ta là người con Phật tu học, đi đứng nằm ngồi đều phải nhớ đến chánh pháp, thân khẩu ý luôn luôn theo chánh pháp, nói ra một lời là nói lời từ ái, nói lời tha thứ yêu thương đùm bọc, không chống trái, không gây thương tổn cho người, không gây thương tổn cho mình thì đó là người con Phật. Tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả.
          Thứ ba: Ngài Anan đi hoằng hóa nhiều lúc cũng bị người ta nói này nói kia nhưng cái hạnh của Ngài rất là kham nhẫn. Khi lần kết tập thứ nhất với 500 vị Alahan, ngài xin vào để trùng tuyên lại những lời của Đức Phật nhưng ngài Ca Diếp không cho vào. Ngài Ca Diếp còn hạch tội ngài Anan, ông làm như thế này, ông làm như thế kia, ông đứng lên aó của Đức Thế Tôn….làm bỉ mặt ngài Anan. Thế mà ngài Anan nói gì Quý vị biết không? Dạ, con không cố tình nhưng nếu Chư tăng bắt lỗi như thế thì con xin sám hối. Quý vị thấy không nào? Không có cải cọ, không cần biết là mình có lỗi hay không có lỗi, nhưng nếu Chư tăng vạch lỗi của mình, tức là người thiện tri thức khác vạch ra lỗi của mình thì lập tức nhận lỗi liền, đó là người con Phật. Người con Phật luôn luôn soi xét lỗi mình thì mới thành tựu, chứ còn soi xét lỗi người ta là soi mói, đâu có ích lợi gì? Soi xét lỗi mình thành tâm sám hối thì ngay chổ ấy mới có thành tựu. Tức là ngài Anan lúc nào cũng kham nhẫn, lúc nào cũng nhận lỗi, hoàn toàn đem tâm thành sám hối, chính vì như vậy mới chứng đắc, thoát ly sanh tử.
          Ngài Anan sanh ra trong một gia đình giàu có sang trọng, trong bậc hoàng cung cao quý nhưng cũng từ bỏ hết. Điều đó nói cho chúng ta biết điều gì? Điều đó nói cho chúng ta biết Đức Phật cũng từ bỏ hết, Ngài Anan cũng từ bỏ ngai vàng điện ngọc. Tức là chúng ta muốn tu theo gương của Đức Phật, thì phải không dính mắc, đừng có vướng nữa, đừng có tiếc nữa, cũng chữ tiếc, tiếc cha, tiếc mẹ, tiếc vợ, tiếc con, tiếc xe, tiếc máy computer, tiếc tiền…. thế thì làm sao đi tu. Trong khi Đức Thế Tôn thì cũng quăng đi hết, cung vàng điện ngọc xem như đôi dép rách bỏ. Ngài Anan cũng từ bỏ hết tất cả . Đối với các ngài chỉ là đôi dép rách, chính vì như vậy mới tu được. Các Ngài đã thoát ra khỏi họ tiếc mà trở thành họThích. Từ họ Nguyễn, họ Trần, họ Lê, họ Đào……mà muốn đổi sang họ Thích thi phải băng ngang qua một họ nữa đó là họ tiếc. Phải giải quyết được họ tiếc này thì mới thành họ Thích được.
          Ngài Anan Đa văn rất thông tuệ tương trưng cho đa văn ham học, cũng giống như Quý vị trong Đạo tràng này, ngày nào cũng có mặt, có những vị thức khuya dạy sớm ham học lắm nhưng không biết có hành hay không? Học thì có đấy rất tán thán. Mỗi lần Phật đi đâu đều giảng lại cho ngài Anan, Ngài Anan ham học, thông minh nhớ dai. Chúng sanh cũng thế co´những chuyện mười năm rồi mà Quý vị cũng nhớ, ví dụ như có ông xã đứng kế bên người đẹp nào đó thì mười năm sau Quý vị cũng còn nhớ nữa..., nhắc lại hoài…..
          Thế thì Ngài Anan hành trì như thế nào? Ngài Anan đã chứng đắc Tư Đà Hoàn, bước vào dòng thánh rất là thông tuệ. Bước vào dòng Thánh là không xao động cảnh trần, luôn đứng cạnh Đức Phật tức là thọ nhận giáo pháp, những điều răn dạy của Đức Thế Tôn thì làm sao mà còn mê mờ được nữa phải không? Ngài Anan đi hoằng pháp, giảng nói những lời của Từ Phụ cho chúng sanh biết để người ta được giải thoát. Ngài không quan tâm đến điều giải thoát của ngài, không cần chứng đắc, ngài lo cho chúng sanh, muốn cho chúng sanh chứng đắc trước. Người như ngài Anan là gì? Là mẹ của chúng ta đó, tức là lo cho chúng sanh hết khổ, không nghĩ tới khổ của bản thân. Lo cho chúng sanh, biết rằng chúng sanh đời sau sẽ trôi lăn trong 3 cõi 6 đường, chúng sanh mê mẫn không biết thế nào là sắc thanh hương vị xúc pháp, không biết thế nào là 6 căn 6 trần không biết thế nào là ngũ ấm….Cho nên ngài cứ lặn lội đi giảng, rồi ngài chấp nhận bị mang tiếng là Ma Đăng Già quyến rũ, để khêu gợi tánh tò mò của chúng sanh, chính vì như thế cho nên chúng sanh mới siêng năng học kinh Thủ Lăng Nghiêm. Và vì biết rằng chỉ có chú Thủ Lăng Nghiêm đưa tới định tâm cho nên nó mới siêng năng nó tụng, trì chú như vậy mới được lợi lạc. Ngài nói chú này tốt lắm, chưa chắc gì người ta đã chịu nghe. Nhưng ngài nói đấy ta đã bị nạn ngộ Ma Đăng Già, nhờ chú mày ta thoát nạn. Nghe như thế lập tức con cháu đời sau mới chịu trì chú. Có tinh tấn như thế mới thoát ly ra khỏi sanh tử luân hồi. Tâm của ngài giống như là mẹ hiền, chỉ lo cho chúng sanh không nghĩ tới mình. Ngài Địa Tạng Bồ Tát phát nguyện: nếu còn một chúng sanh nào ở trong địa ngục con thề sẽ không chứng quả Vô Thượng Bồ Đề. Các vị Phật đều có tâm từ như người mẹ hiền lo cho con của mình đầy đủ trước khi minh có. Tức là mong cho nó được thoát ly sanh tử, mong cho nó được chứng đắc chứ không quan tâm tơí mình có chứng đắc hay không? Tâm của ngài Anan là như thế, đi hoằng pháp cực khổ mọi nơi bị chúng đánh chửi các thứ chỉ có một tâm nguyện là đem lời dạy của Đức Từ Phụ làm sao chuyển cái tâm của chúng sanh để cho nó được giải thoát. Và ngài là người giải thoát sau cùng.
           Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn thì ngài Anan mới giải thoát. Ẩn dụ gì trong kinh vậy thưa Chư vị? Ẩn dụ là một vị Bồ Tát. Ngay cả lo cho cái thân và tâm của mình cũng không quan tâm có chứng đắc hay không. Ngài vẫn tiếp tục đi hoằng pháp, tiếp tục nói cho chúng sanh nghe những lời Đức Phật dạy. Ngay khi ngài bị Ca Diếp hạch tội, ngài vẫn thể hiện hạnh kham nhẫn: dạ con không ý đạp lên y Đức Phật, chẳng qua con muốn may vá cái lỗ thủng chổ rách cho nên con phải tỳ lên đó không thôi gió nó bay…, nhưng nếu Chư tăng bắt tội, con xin nhận tội đó và xin sám hối. Dạ thưa Quý ngài con có làm việc ấy và nay con xin thành tâm sám hối.
          Quý vị thấy tuyệt vời không? Ngài làm gương của một người con Phật. Chúng sanh chê bai đủ các thứ, ta có đủ hạnh kham nhẫn như ngài Anan hay không? Để làm chi? Để cho tâm chúng sanh không còn sân si nữa, khi mình đã nhận rồi thì chúng sanh đâu còn sân si phải không? Như vậy chúng sanh hoan hỷ, như vậy ta mời gần gũi nó, chúng ta mới thực hành hạnh Phổ Hiền ở trong kinh Phổ Hiền. Tuỳ theo căn cơ chúng sanh mà thị hiện. Lúc bấy giờ chúng ta mới gần gũi nó, khuyên nó được, đưa nó vào chánh pháp được. Ngài Anan rất tuyệt vời. Thứ nhất ngài chỉ nghĩ tới chúng sanh, chúng sanh đời đó và cho tới chúng sanh đời này. Ngài chỉ muốn làm việc hoằng pháp, ngài không nghĩ tới ta phải thành Phật trước, ta phải chứng Vô Thượng Bồ Đề. Thật tế khi bị bắt lỗi, không có lỗi ngài vẫn nhận. Quý vị thấy tuyệt vời chưa? Nỗi lòng của ngài Anan đấy.
Bây giờ chúng tôi nói đến huyền nghĩa. Ngài Anan lo cho chúng sanh, đa văn thông tuệ bước vào dòng thánh v.v…. đủ các thứ, chứng đắc sau khi chúng sanh chứng đắc. Thế thì thật sự ra ngài Anan là ai? Đố Quý vị đoán được? Có ai biết ngài Anan đứng thứ bậc gì ở trong dòng Thánh không? Tư Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, Alahan, Bích Chi Phật hay là Bồ Tát ….hay là cái gì?.....Chân tướng Ngài Anan là ai? Xin Quý vị cho một vài chữ…..
Trong kinh sách thì nói ngài Anan đã chứng Tư Đà Hoàn ngay từ lúc bước vào tăng đoàn. Nhưng trong các Thánh vị chân tướng của ngài Anan là ai?.... Ngày hôm nay chúng tôi nói luôn huyền nghĩa ngài Anan là ai để cho Quy vị từ nay trở đi không có lầm lẫn nữa.
          Ngài Anan là một vị Phật. Ngài đã là vị Phật trong quá khứ. Đức Phật Thích Ca cũng là Phật trong quá khứ nhưng các ngài thấy chúng sanh mê mờ cho nên hai ngài mới đóng kịch như vậy. Ngài Anan đóng vai hạnh kham nhẫn, mặc dù ngài đã là Phật nhưng vẫn cung kính đi làm thị giả cho Đức Phật Thích Ca. Đã là Phật thì đâu có chấp nên chuyện làm thị giả hay không thị giả không chấp. Ngài phải đóng vai như thế mới để lại tam tạng kinh điển đồ sộ của đại thừa cho chúng sanh sau này. Nỗi lòng của ngài là người mẹ thương các con, thấy chúng sanh trôi trong 3 cõi 6 đường cho nên ngài mới thị hiện ra. Đức Thế Tôn cũng như vậy, giống như trong kinh Pháp Hoa, Trưởng lão thấy con vui chơi trong nhà lửa sắp sập, bảo ra mà không chịu ra. Cho nên mới phương tiện mọi cách dụ chúng ra khỏi nhà lửa. Chúng sanh say mê trong căn trần thức, say mê trong thanh hương vị xúc mà không biết đó là địa ngục. Vì thế ngài Anan(vị Phật) và Đức Thích Ca mới đóng vai vai trò như thế. Nói cho chúng sanh biết: đấy ta vì không tu, ta mới lọt lưới, vì ta không tu nên tâm ta không có định, ta vì đa văn không tu nên cũng vất đi, các con ơi từ nay trở đi ráng mà tu, đa văn vừa vừa thôi, chắc chắn chúng ta không bằng một gốc của ngài Anan, không được phần nào của ngài Anan hết. Bởi thế cho nên đa văn vừa vừa thôi. Ý của kinh là nói như thế.
           Ngài Anan dặn dò các con cháu sau này, muốn tu theo Phật thì ráng mà tu tâm, tu ngay nơi 6 căn. Nếu 6 căn viên thông thì chơn giác diệu minh soi sáng. Và ngay nơi ấy thành Phật hay thành chúng sanh, thành ma, thành quỷ mà ra. Đấy chân tướng của ngài Anan là Phật, nhưng ngài giữ hạnh đi thuyết pháp, độ hết thảy mọi người mà không đòi hỏi gì hết, mong mọi người chứng đắc truớc khi ngài chứng đắc. Ý nói rằng những người hành giả tu theo Phật phải giữ hạnh Bồ Tát như ngài Anan, lúc nào cũng rao truyền chánh pháp của Như Lai, đem lợi lạc cho mọi người, lợi lạc cho chúng sanh mà không nghĩ tới bản thân. Tại sao không nghĩ tới bản than. Tại vì tứ đại giai không, ngũ uẩn vô chủ, không có thật. Nếu quán chiếu như vậy thì đâu có gì đâu mà chấp, nếu quán chiếu như vậy thì đâu có gì đâu mà không hy sinh, nếu quán chiếu như vậy thì hy sinh mà không thấy hy sinh, làm mà không thấy mình làm. Chổ này mới là tuyệt vời vi diệu ở trong kinh Thủ Lăng Nghiêm.
          Ngày hôm nay chúng tôi nói huyền nghĩa, lật hết ra chân tướng cho Quý vị biết , Ngài Anan là một vị Phật và Đức Phật Thích Ca cũng là một vị Phật nhưng hai ngài vì thương chúng sanh, biết trước rằng chúng sanh trôi nổi trong 3 cõi 6 đường vì ham vui. Ham vui vì tham sân si, ham vui trong ngũ dục, kêu gọi ra chạy ra khỏi nhà lửa mà chúng không nghe. Thỉnh thoảng chúng tôi thấy trong Đạo tràng có nhiều vị tu học tinh tấn, chúng tôi cũng chịu đắng cay, muốn cho Quý vị hết bịnh, vừa mới cho thuốc đắng là bị nóng bỏng lên, gởi pm cho chúng tôi: Thầy la chúng con hoài. Tu mà có người la là mừng chứ phải không?  Vì như vậy mới biết mình có tu hay không? Tức là mình biết mình sai ở chổ nào? Và quán chiếu tâm có chạy theo lời khen lời chê hay không? Bát phong có thổi không? Quý vị có nhớ câu chuyen Tây Du Ký, khi thầy trò của Tam Tạng đến núi lửa gặp bà La Sát, bà La Sát tượng trưng cho ai? Thầy trò Tam tạng tới đó, ngay cả Tôn Ngộ Không có thần thông như vậy mà La Sát cầm cái quạt, quạt một cái là bay tới mít mù luôn không biết đường nào mà trở lại. Quý vị thấy kinh khủng không? Vậy bà La sát là cái gì? Là tâm sân của chúng sanh. Khi tâm sân nổi lên thì Tôn Ngộ Không bay tuốt. Tôn Ngộ Không là gì? Tôn Ngộ Không là trí tuệ. Khi tâm sân nổi lên thì trí tuệ nó cũng bay tuốt luốt, nó không còn trí tuệ nữa, thổi một cái là nó bay mịt mù luôn. Tôn Ngộ Không phải bay đi tìm Quán Thế Âm Bồ tát xin một viên ngọc để ngậm trong miệng. Viên ngọc đó là gì? Quý vị biết không? Viên ngọc đó có tên là định phong. Có nghĩa là ngưng gió, gió thổi thì mặc gió không ảnh hưởng. Gió là bát phong. Bát phong thổi thì cứ thổi, khi đã niệm tới Quán Thế Âm Bồ tát. Có nghĩa là tánh nghe đã được viên thông ở trong kinh Thủ Lăng Nghiêm. Tánh nghe đã viên thong thì Bát phong thì mặc bát phong cứ vững như đồng, không rung không chuyển là cái chổ đó. Quý vị đã thấy huyền nghĩa của kinh Thủ Lăng Nghiêm chưa? Nếu quý vị biết áp dụng trong đời sống hằng ngày thì vô cùng lợi lạc. Khi quạt bà La sát mà có viên ngọc định phong thì nó chấm dứt thôi.
          Hôm nay chúng ta đã học xong Nỗi lòng ngài Anan. Chúng ta đã hiểu rõ chân tướng của ngài Anan. Là người con Phật chúng ta cố gắng như thế nào để mà đền đáp ơn Chư Phật đã khai thị cho chúng ta, để lại bộ kinh rất đồ sộ, và cũng nói rất rõ: đạo Phật không phải là lý thuyết, đạo Phật không phải đến để mà nói. Đạo phật đến để thực hành. Đức Thế Tôn cũng có nói: có hai hạng người tán thán Như Lai. Loại người thứ nhất là phàm phu tán thán Như Lai, lúc nào cũng khen Đức Thế Tôn 32 tướng tốt, 80 vẽ đẹp, bỏ cung vàng điện ngọc đi tu v.v…. Loại thứ nhì là nghe lời Đức Thế Tôn dạy suy nghĩ xong đem ra hành trì, áp dụng vào trong cuộc sống làm thăng hoa tư cách, thăng hoa trí tuệ, lợi mình lợi người, loại người này gọi là người chân chánh tán thán Như Lai. Chúng ta là người con Phật chúng ta không có nói suông, cố gắng thật hiện lời Phật dạy để đền đáp ơn Chư Phật đã khai thị cho chúng ta. A Di Đà Phật chúng tôi xin tạm ngưng pháp thoại ở đây.

Đánh máy: Thiện Châu

No comments:

Post a Comment