Sunday, October 31, 2010

Kinh Pháp Cú - Introduction



Lúc Phật còn tại thế, Ngài Buddhaghosa không cho ghi chép Kinh, vì sợ tam sao thất bổn. Mấy Tổ về sau giỏi chữ nghĩa văn chương nhất là vị gốc Bà La Môn sẽ có thể thêm bớt làm sai lệch nguyên bổn, Ngài chỉ thuyết bằng tiếng Pàli, tiếng bình dân xứ Magadha, không có chữ Nam Phạn, Bắc Phạn (sanskrit) là của Đạo Bà La Môn, tuy hơi giống như tiếng Pàli, nhưng không phải là một thứ tiếng như tiếng Việt Nam ở hai miền Nam, Bắc của xứ ta" (Quyển Chú Giải Kinh Pháp Cú-tr 94, Q 1. Dịch Giả Trưởng lão Pháp Minh). 

Trong suốt 45 năm thuyết giảng giáo pháp, Đức Phật đã dùng vô số phương pháp để hóa độ chúng sanh. Những phương pháp ấy đều có chứa những bài kệ ngắn gọn, hàm xúc, thú vị, tinh túy, hữu ích và đúng theo chân lý. Những câu Pháp Cú nằm trong Kinh- Luật- Luận thuộc Nam Truyền và Bắc Truyền. Sau khi Đức Phật nhập Vô Dư Niết Bàn thì kinh Pháp Cú trở thành áng văn bất hủ cho cả hai giới Tại Gia và Xuất Gia.
Chính sự lan truyền rộng rãi của kinh Pháp Cú nên dần dần dễ dẫn tới việc sai khác về ngôn từ và ý nghĩa của kinh so với nguyên bản. Vì thế, khi mới xuất gia học đạo liền bắt gặp trong quyển "Sa Di Luật Giải" của Hòa Thượng Hành Trụ, phần Qui Sơn Cảnh Sách, trang 497 có đoạn viết:

"Đức Như Lai diệt độ chưa bao lâu, có một ông Tỳ Kheo, lầm tụng bài kệ trong kinh Pháp Cú: "Nếu người sống trăm tuổi, chẳng thấy con Hạc già dưới nước, chẳng bằng sống một ngày mà đặng thấy rõ đó" khi ấy ngài A Nan Tôn giả nghe rồi nguôi thản than rằng: "Chánh Pháp Như Lai sao mà diệt mau lắm vậy!" Rồi nói với Thầy Tỳ Kheo kia rằng: Thưa Huynh! Đức Phật, Ngài nói: "Nếu người sống trăm tuổi chẳng thấy sanh diệt, chẳng bằng sống một ngày mà thấy rõ đó". Ông Tỷ Kheo ấy bấy giờ trở về thuật lại với Bổn sư, sư nói: "Ơi! Ông A Nan già cả, nói hay lầm lộn không nên tin vậy. Ngươi cứ về tụng như trước đi."Ôi! Xét như xưa đời chánh pháp hãy còn lầm lộn như thế đó. Huống đời bây giờ cách Phật đã xa, không gần Thầy hay Bạn giỏi, làm sao nói ra cho nhằm Kinh Luật ấy ư?"
Qua đoạn trích trên,  nguyên nhân có sự nhầm lẫn giữa chữ "sanh diệt" với "hạc già" là xuất phát từ sự truyền khẩu của kinh, truyền từ người này qua người nọ nên dẫn đến sự sai khác. Như theo bản PàLi câu 113 trong Phẩm Ngàn, tức là câu 14 của bản phụ lục ở phía sau cho biết: "Yo ca vassa- satam jìve apassam udaya – vyayam" (Ai sống một trăm năm mà không thấy sanh tử). Và theo bản Prakrit câu 317 cho thấy: "Ya ji vasa – s ado jivì apas u udaka - vaya". (Ai sống một trăm năm mà không thấy sanh tử). Do lẫn lộn chữ "Udaka-vaya" dịch là "Sanh tử" đọc nhầm thành "Udaka-bakam" dịch là "Hạc nước". Sự đọc nhầm này cũng do một phần sau khi Đức Phật nhập diệt, phần đông các vị Tổ về sau đều là gốc Bà La Môn nên họ cứ tin tưởng và chấp chặt vào ngôn ngữ của mình, không để ý đến nghĩa của chữ dẫn đến sự nhầm lẫn như thế.

"Dhammapada" nghĩa là gì? Dhamma tam dịch là Pháp, Pada dịch là Cú (câu). Dhammapada tức là những câu ghi chép lại lời dạy Đức Phật, nên thường được dịch là Pháp Cú.


Chữ "Dhamma" là Pháp, có nhiều nghĩa như chân lý, giác ngộ, giải thoát hàm chứa: là giáo pháp, chánh pháp, chân lý được Đức Phật khai thị; là Phật ngôn, pháp ngữ hay những lời giáo huấn của Đức Phật về chơn, thiện, mỹ; là kỷ luật, phép tắc, tín ngưỡng hình thức sinh hoạt của Phật Giáo.


Chữ "Pada" là Cú (câu) nghĩa là đường lối, lối đi, nền tảng căn bản. Pada cũng có nghĩa là bàn chân, bước chân.

Cuối cùng, "Dhammapada" có thể có nghĩa là những bàn chân hay bước chân đưa đến chân lý giác ngộ, giải thoát; đưa đến chân, thiện, mỹ v.v... Được hiểu như là "con đường chân lý, con đường đạo hạnh."


Kinh Dhammapada theo truyền thống được xem là bộ kinh được kiết tập vào kỳ kiết tập thứ nhất, ngay ba tháng sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn. Có thể nói đây là một cuốn kinh chứa đựng một cách gọn ghẽ, đầy đủ giáo lý nguyên thủy của Đức Phật. Hay nói một cách khác là một cuốn kinh chọn lọc những lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn tại thế. Ngài đã truyền dạy trong khoảng ba trăm trường hợp giáo hóa khác nhau trong suốt 45 năm thuyết pháp độ sanh, Ngài đã giảng nhiều pháp ngữ chứa đựng nghĩa lý thâm thúy để cởi mở nghiệp khổ cho chúng sanh mà đưa họ đến Niết Bàn an lạc. Những giáo pháp ấy được trình bày dưới hình thức các bài kệ đơn giản và súc tích gồm phần lớn là bốn câu, thỉnh thoảng lên đến sáu câu và mỗi câu gồm có tám âm đồng đều, cụ thể qua 423 gàthà (bài kệ) chia làm 26 vagga (phẩm) như sau:


01Yamaka VaggaPhẩm Song Yếu20 bài kệ
02Appamàda VaggaPhẩm Không Phóng Dật12 bài kệ
03Citta VaggaPhẩm Tâm11 bài kệ
04Puppha VaggaPhẩm Hoa16 bài kệ
05Bàla VaggaPhẩm Ngu16 bài kệ
06Pandita VaggaPhẩm Hiền Trí14 bài kệ
07Arahanta VaggaPhẩm A La Hán10 bài kệ
08Sahassa VaggaPhẩm Ngàn16 bài kệ
09Pàpa VaggaPhẩm Ác13 bài kệ
10Danda VaggaPhẩm Hình Phạt17 bài kệ
11Jarà VaggaPhẩm Già11 bài kệ
12Atta VaggaPhẩm Tự Ngã10 bài kệ
13Loka VaggaPhẩm Thế Gian12 bài kệ
14Budda VaggaPhẩm Phật Đà18 bài kệ
15Sukha VaggaPhẩm An Lạc12 bài kệ
16Piya VaggaPhẩm Hỷ Ái12 bài kệ
17Kodha VaggaPhẩm Phẫn Nộ14 bài kệ
18Mola VaggaPhẩm Cấu Uế21 bài kệ
19Dhammattha VaggaPhẩm Pháp Trụ17 bài kệ
20Magga VaggaPhẩm Đạo17 baì kệ
21Pakinnaka VaggaPhẩm Tạp Lục16 bài kệ
22Niraya VaggaPhẩm Địa Ngục14 bài kệ
23Nàga VaggaPhẩm Voi14 bài kệ
24Tanhà VaggaPhẩm Tham Ái26 bài kệ
25Bhikkhu VaggaPhẩm Tỷ Kheo23 bài kệ
26Bràhmana VaggaPhẩm Bà La Môn41 bài kệ


Căn cứ vào bài tựa của Kinh Pháp Cú, ĐTK 210 tờ 566 b14 – c 26, quá trình hình thành văn bản chữ Hán được trình bày như sau:
"Kệ Đàm Bát là yếu nghĩa trong kinh. Đàm đó là Pháp, Bát đó là Cú, mà Kinh Pháp Cú có vài bản để phân biệt. Có bộ gồm 900 bài kệ, hoặc có bộ 700 bài kệ và 500 bài kệ. Kệ là lời đúc kết lại cũng giống như thi tụng vậy. Đó chính là Đức Phật thấy sự việc nêu lên chẳng phải Ngài nói trong cùng một lúc mà tất cả đều có nhân duyên được phân bố chặt chẽ trong các kinh. Đức Phật là bậc Nhất Thiết Trí, tánh của Ngài là một bậc đại nhân cho nên Ngài thương xót chúng sanh mà xuất hiện nơi đời, mở bày đạo nghĩa để cứu độ con người. Trong 12 bộ kinh, tổng quát yếu nghĩa của từng thể loại mà chia ra làm nhiều bộ. Sau khi Đức Phật nhập diệt, Ngài A Nan trùng tuyên lại 4 bộ A Hàm (Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm, Tăng Nhất A Hàm). Kinh không có dài ngắn, mở đầu ngài A Nan đều tụng: Nghe như vầy, và nơi chốn Đức Phật thuyết pháp, là nơi diễn đạt những lời đầy đủ tự thuyết của Ngài. Sau đó, năm bộ Sa Môn mỗi mỗi sao chép ra thành kệ 4 câu hoặc 6 câu trong các kinh rồi so sánh, phán định ý nghĩa vào các điều chương mà phân biệt thứ loại, từng phẩm. Đối với 12 bộ kinh không đâu không tham cứu rút ra và không có một tên gọi nhất định cho nên gọi là Pháp Cú. Các Kinh là pháp ngôn, pháp cú do từ pháp ngôn mà có ra vậy. Gần đây người họ Cát có lưu truyền 700 bài kệ, nghĩa của kệ rất sâu xa, người dịch ra rất nhiều. Do nghĩa lý ẩn sâu trong kinh mà khiến cho người dịch lẫn lộn. Chỉ có Đức Phật là khó gặp, giáo pháp cũng khó mà nghe được. Lại nữa, Chư Phật xuất thế ở Thiên Trúc nên ngôn ngữ Thiên Trúc với Hán ngữ khác âm. Sách của Thiên Trúc gọi là Thiên Thư, lời âm nói gọi là Thiên Ngữ. Do ngôn ngữ và sự vật bất đồng nên truyền đạt sự chân thật chẳng phải là chuyện dễ. Ngài Lam Điều, An Hầu Thế Cao, Đô Quý Phật Điều dịch từ tiếng Phạn ra tiếng Trung Hoa, sự thật đạt được thể của ngôn ngữ nhưng việc ấy khó có người kế thừa. Người sau lưu truyền không thể sâu sắc nhưng vẫn còn tôn trọng chỗ quý báu những bản kinh, và tạm cho phần này đã đạt được chỉ thú của kinh.Người đầu tiên là Duy Kỳ Nan sinh ra ở Thiên Trúc vào năm thứ ba đời Hoàng Vũ đến Vũ Xương, tôi mới theo ngài Duy Kỳ Nan mà nhận được bộ sách gồm 500 bài kệ, mời người đồng đạo Trúc Tướng Diễm dịch. Tướng Diễm, tuy giỏi tiếng Thiên Trúc nhưng mà chưa am hiểu đầy đủ Hán ngữ cho nên lời truyền đạt của Ngài hoặc còn Phạn ngữ, hoặc lấy nghĩa mà dịch thành âm. Vì thế văn nghĩa chất phác, lời của nói không đẹp, không bóng bẩy. Đầu tiên, Duy Kỳ Nan nói rằng: Lời của Phật nương theo nghĩa mà không dùng sự trau chuốt ngôn từ, chọn lấy pháp mà không lấy chỗ nghiêm sức. Phàm người truyền dịch kinh được dễ hiểu, chớ nên làm mất đi nghĩa lý của Kinh. Được như vậy là điều hay nhất, cần thiết nhất. Những người ngồi ở đạo tràng phiên dịch đều cho rằng: Lão Tử nói ngôn từ trau chuốt thì không đáng tin, lời đáng tin thì không cần hoa mỹ. Khổng Tử cũng nói rằng: Thư viết ra không hết lời, lời nói ra thì không thâu tóm được hết ý. Đó là những lời nói của bậc Thánh Nhân. Ý của bậc Thánh Nhân thâm thúy vô cùng, nay thì người truyền đạt ý nghĩa của tiếng Phạn cần phải thấu đạt được ý Kinh. Vì thế, từ những bài kệ được người dịch ra cần phải chính lý yếu chỉ, chớ không cần thêm trau chuốt văn chương. Nếu có dịch những chỗ không hiểu thì thiếu sót không thể truyền đầy đủ, cho nên phần nhiều có sự thiếu sót, phần lớn do sự có ra ngoài những trường hợp mất mát ý nghĩa. Nhưng bài kệ Pháp Cú này, tuy lời mộc mạc, chất phác mà ý chỉ sâu sắc.
Văn sơ sài, ước lược mà nghĩa thì rộng lớn nên sự việc được dẫn dắt trong các kinh. Chương phẩm có đầy đủ, câu cú có ý nghĩa. Những người mới tu học ở tại Thiên Trúc không học Kinh Pháp Cú cho là vượt quá thứ bậc nhưng kinh này mới chính là quy tắc lớn cho người mới học và kho tàng sâu kín của người thâm nhập. Khó có thể khai mở cho những người sơ cơ phân biệt những chỗ lầm lẫn, dụ dẫn chúng sanh đi đến chỗ tự lập. Công sức tu học ít, mà chỗ hiểu biết thì rộng. Kinh này, thật đáng cho là cốt yếu và vi diệu thay! Khi xưa lúc truyền đạt kinh này. Tôi có chỗ không hiểu, gặp lúc ông Tướng Diễm đến cho nên theo đó mới thưa hỏi và thọ nhận lấy những bài kệ này rồi được thêm 13 phẩm nữa, đồng thời so sánh với những bản cổ rồi tăng bổ hiệu đính lại, sắp xếp phẩm mục gom lại một bộ thành 39 phẩm gồm có 752 bài kệ, ngỏ hầu để cho có sự bổ ích và rộng cho sự học hỏi."




 Kinh Pháp Cú còn có tên gọi Pháp Cú Tập Kinh, Pháp Cú Tập, Pháp Cú Lục, Đàm Bát Kinh, Đàm Bát Kệ. Đó chính là Đức Phật thấy sự việc mà nêu lên. Kinh không có dài ngắn, mở đầu được ngài A Nan đều tụng: Tôi nghe như vậy và nơi chốn Đức Phật thuyết pháp.v.v... Nghĩa là có đầy đủ lục chủng thành tựu. Sau đó, năm bộ Sa Môn sao chép ra thành kệ bốn câu, sáu câu trong các kinh mà phân biệt thứ loại, từng phẩm. Gần đây ngưới họ Cát có lưu truyền 700 bài kệ, nghĩa của kệ rất sâu, người dịch ra rất nhiều. Về sau ngài Lam Điều, An Hầu Thế Cao, Đô Quý Phật Điều dịch từ tiếng Phạn ra tiếng Trung Hoa. Người đầu tiên là Duy Kỳ Nan sinh ra ở Thiên Trúc nói rằng: Lời của Phật nương theo nghĩa mà không dùng sự trau chuốt ngôn từ, chọn lấy pháp mà không lấy chỗ nghiêm sức. Những người ngồi ở đạo tràng phiên dịch đều cho rằng: Lão Tử nói ngôn từ trau chuốt thì không đáng tin, lời đáng tin thì không cần hoa mỹ. Khổng Tử cũng nói rằng: Thư viết ra không hết lời, lời nói ra thì không thâu tóm được hết ý. Đó là những lời nói của bậc Thánh Nhân. Ý của bậc Thánh Nhân thâm thúy vô cùng nay thì người truyền đạt ý nghĩa của tiếng phạn cần phải thấu đạt được ý kinh. Vì thế, những bài kệ Pháp Cú này, tuy lời mộc mạc, chất phác mà ý chỉ sâu sắc. Văn sơ sài, ước lược mà nghĩa thì rộng lớn nên sự việc được dẫn dắt trong các kinh. Những người mới tu học ở tại Thiên Trúc không học kinh Pháp Cú cho là vượt quá thứ bậc, nhưng kinh này mới chính là quy tắc lớn của người thâm nhập. Kinh gồm 2 quyển, 39 phẩm, 752 bài tụng do ngài Pháp Cứu, người Ấn Độ soạn, ngài Duy Kỳ Nan nước Ngô dịch vào thời Tam Quốc (có thuyết cho rằng do ngài Chi Khiêm và Trúc Tướng Diễm dịch vào năm 224) được xếp vào Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, ĐTK 210 tờ 559a1 – 575 b10. Nội dung gom góp những bài kệ do Đức Phật nói trong các kinh mà biên tập thành, được thể hiện ở mỗi bài kệ có bốn câu, sáu câu, có lúc tám câu; mỗi câu có bốn chữ hay năm chữ. Kinh Pháp Cú trình bày cụ thể qua hai quyển với 39 phẩm 752 bài kệ như sau:


Quyển Thượng
 
10Phẩm Phóng Dật20 bài kệ
11Phẩm Tâm Ý12 bài kệ
12Phẩm Hoa Hương17 bài kệ
13Phẩm Ngu Ám21 bài kệ
14Phẩm Minh Triết12 bài kệ
15Phẩm La Hán10 bài kệ
16Phẩm Thuật Thiên16 bài kệ
17Phẩm Ác Hành22 bài kệ
18Phẩm Đao Trượng14 bài kệ
19Phẩm Lão Mạo14 bài kệ
20Phẩm Ái Thân13 bài kệ
21Phẩm Thế Tục14 bài kệ

Quyển Hạ:
 
22Phẩm Thuật Phật21 bài kệ
23Phẩm An Ninh14 bài kệ
24Phẩm Hảo Hỷ12 bài kệ
25Phẩm Phẫn Nộ26 bài kệ
26Phẩm Trần Cấu19 bài kệ
27Phẩm Phụng Trì17 bài kệ
28Phẩm Đạo Hành28 bài kệ
29Phẩm Quãng Diễn14 bài kệ
30Phẩm Địa Ngục16 bài kệ
31Phẩm Tượng Dụ18 bài kệ
32Phẩm Ái Dục32 bài kệ
33Phẩm Lợi Dưỡng20 bài kệ
34Phẩm Sa Môn32 bài kệ
35Phẩm Phạm Chí40 bài kệ
36Phẩm Nê Hoàn35 bài kệ
37Phẩm Sanh Tử18 bài kệ
38Phẩm Đạo Lợi19 bài kệ
39Phẩm Kiết Tường19 bài kệ


Full studies of Dhammapada here.

No comments:

Post a Comment